Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả quảng cáo trực tuyến, dẫn đến việc lãng phí ngân sách mà không đạt được kết quả mong muốn. Một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề này là đo lường và tối ưu chỉ số ROAS. Trong bài viết này, Dương Gia Phát sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ROAS, tại sao nó lại quan trọng và cách thức tối ưu hóa chỉ số này để giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả quảng cáo cao hơn.
Chỉ số ROAS là gì?
ROAS (Return on Ad Spend hoặc Return on Advertising Spend) là một chỉ số digital marketing được hiểu là tỉ lệ hoàn vốn từ quảng cáo. Đây là chỉ số giúp marketer, chủ doanh nghiệp và nhà quản lý đánh giá được chiến dịch quảng cáo nào đang hoặc không mang lại hiệu quả. Chỉ số này được biểu thị dưới dạng tỉ lệ và tỉ lệ ROAS càng cao chứng tỏ chiến dịch quảng cáo đạt hiệu quả tốt.
Vì sao doanh nghiệp nên đo lường ROAS?
Doanh nghiệp nên đo lường Return on Ad Spend vì đây là một chỉ số quan trọng giúp đánh giá hiệu quả của các hoạt động quảng cáo. ROAS giúp doanh nghiệp:
- Đánh giá hiệu quả đầu tư: ROAS cho phép doanh nghiệp xác định liệu chi tiêu cho quảng cáo có mang lại doanh thu tương xứng hay không, từ đó điều chỉnh mức chi tiêu cho phù hợp.
- Tối ưu hóa ngân sách quảng cáo: Khi biết được chiến dịch nào mang lại kết quả tốt, doanh nghiệp có thể tập trung ngân sách vào các kênh hiệu quả và giảm chi phí cho những kênh kém hiệu quả.
- Đánh giá hiệu quả quảng cáo giữa các nền tảng: ROAS giúp so sánh và đánh giá hiệu quả giữa các kênh khác nhau (như Google Ads, Facebook Ads v.v), từ đó lựa chọn kênh phù hợp để đạt được kết quả cao nhất.
- Đưa ra quyết định: Đo lường ROAS giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định chính xác và khoa học, dựa trên kết quả thực tế từ các hoạt động quảng cáo.
Công thức tính ROAS
Công thức tính ROAS (%) = (Doanh thu từ quảng cáo/ chi phí quảng cáo) x 100
Trong đó:
- Doanh thu từ quảng cáo là tổng doanh thu mà doanh nghiệp thu được từ chiến dịch quảng cáo
- Chi phí quảng cáo là tổng số tiền mà doanh nghiệp đã chi ra cho chiến dịch quảng cáo đó.
Ví dụ: Doanh nghiệp bỏ ra 10 triệu đồng để chạy chiến dịch quảng cáo. Sau một thời gian, doanh thu từ quảng cáo đạt được 50 triệu đồng. Suy ra, ROAS được tính là (50.000.000 / 10.000.000 x 100) = 500%. Tương đương với tỉ lệ 5:1, nghĩa là 1 nghìn đồng doanh nghiệp bỏ ra cho chiến dịch quảng cáo sẽ thu về được 5 nghìn đồng doanh thu.
ROAS như thế nào được coi là tốt?
ROAS phù hợp với mỗi doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như biên lợi nhuận, chi phí hoạt động và mục tiêu tăng trưởng. Mặc dù không có một mức ROAS chuẩn cho tất cả doanh nghiệp, tỉ lệ 4:1 (doanh thu 4 đồng cho mỗi 1 đồng chi tiêu quảng cáo) thường được coi là phổ biến.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc SMEs với tài nguyên hạn chế có thể yêu cầu ROAS cao hơn để duy trì lợi nhuận. Ngược lại, cách doanh nghiệp đang hướng tới việc mở rộng thị phần hoặc tăng trưởng nhanh chóng có thể chấp nhận đầu tư vào chi phí quảng cáo cao hơn.
Một số doanh nghiệp có thể cần đạt ROAS 10:1 để duy trì lợi nhuận, trong khi một số khác có thể đạt được tăng trưởng tốt chỉ với 3:1. Để xác định Return on Ad Spend bao nhiêu là phù hợp, doanh nghiệp cần có ngân sách rõ ràng và kiểm soát chặt chẽ biên lợi nhuận. Doanh nghiệp có biên lợi nhuận lớn có thể chấp nhận ROAS thấp hơn, trong khi biên lợi nhuận thấp yêu cầu phải duy trì chi phí quảng cáo thấp để bảo vệ lợi nhuận.
Cách tối ưu chỉ số ROAS cho các chiến dịch quảng cáo
Dưới đây là các cách tối ưu Return on Ad Spend bạn có thể tham khảo để áp dụng vào các chiến dịch quảng cáo của mình:
Xác định đối tượng mục tiêu
Trước khi bắt đầu chiến dịch quảng cáo, việc xác định đúng đối tượng khách hàng là bước quan trọng đầu tiên. Cần phải hiểu rõ đặc điểm, hành vi mua sắm, insight khách hàng, độ tuổi, giới tính, thu nhập và sở thích của khách hàng mục tiêu.
Ví dụ: Một doanh nghiệp bán giày thể thao có thể xác định đối tượng là nam giới từ 18-35 tuổi, yêu thích thể thao và có thu nhập trung bình khá. Việc xác định chính xác đối tượng giúp quảng cáo tiếp cận những người có khả năng mua sản phẩm cao nhất.
Xây dựng nội dung quảng cáo hấp dẫn
Nội dung quảng cáo cần được trình bày sao cho rõ ràng, hấp dẫn và có lời kêu gọi hành động mạnh mẽ. Nội dung phải phù hợp với đối tượng mục tiêu và thỏa mãn nhu cầu của khách hàng.
Ví dụ: Quảng cáo của AirAsia thu hút khách hàng bằng cách đánh trúng tâm lý lo lắng về những câu hỏi khó xử từ họ hàng dịp Tết, từ đó gợi ý du lịch như một giải pháp để “đi trốn”. Cách viết gần gũi, trẻ trung giúp thương hiệu kết nối tự nhiên với đối tượng khách hàng trẻ, dân văn phòng.
Quảng cáo nhấn mạnh mức giá hấp dẫn và lời kêu gọi hành động rõ ràng, khuyến khích khách hàng đặt vé ngay. Hình ảnh trực quan thể hiện giá vé của các chuyến bay, làm nổi bật chuyến bay đến Malaysia có giá rẻ nhất. Đồng thời, quảng cáo tận dụng hiệu ứng FOMO, tạo cảm giác đây là cơ hội tốt để tận hưởng kỳ nghỉ thoải mái. Nhờ đó, thông điệp dễ tiếp cận và hiệu quả trong việc thúc đẩy hành động.
Tối ưu trang đích (Landing Page)
Trang đích cần đơn giản, dễ sử dụng và có thông tin rõ ràng. Điều quan trọng là trang đích phải phù hợp với nội dung quảng cáo và dễ dàng chuyển đổi khách truy cập thành khách hàng thực sự. Ngoài ra, nút/lời kêu gọi hành động cần phải được thể hiện mạnh mẽ, thu hút và nằm ở chỗ dễ nhìn thấy.
Ví dụ: Trang đích quảng cáo một sản phẩm giảm giá phải hiển thị rõ sản phẩm, mức giá sau giảm và các thông tin ưu đãi khác. Nếu khách hàng nhấp vào quảng cáo, họ sẽ được đưa đến một trang dễ dàng thêm sản phẩm vào giỏ hàng và hoàn tất giao dịch.
Chạy thử nghiệm A/B (A/B Testing)
Thực hiện thử nghiệm A/B để so sánh hiệu quả của các mẫu quảng cáo khác nhau. Thử nghiệm này giúp nhận diện mẫu quảng cáo nào có thể mang lại kết quả tốt nhất và tối ưu hóa chiến dịch.
Ví dụ: Chạy hai mẫu quảng cáo với hình ảnh khác nhau, một quảng cáo sử dụng hình ảnh sản phẩm và một quảng cáo sử dụng hình ảnh người mẫu đang sử dụng sản phẩm. Sau đó, so sánh tỉ lệ nhấp chuột (CTR) và tỉ lệ chuyển đổi (CR) của mỗi mẫu quảng cáo để xác định mẫu nào hiệu quả hơn.
Loại bỏ từ khóa không hiệu quả và tối ưu tiêu đề khi chạy Google Ads
Các từ khóa không phù hợp hoặc sai chính tả có thể làm tăng chi phí quảng cáo mà không mang lại kết quả. Việc kiểm tra và loại bỏ những từ khóa không hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm ngân sách và cải thiện ROAS. Bên cạnh đó, một tiêu đề hấp dẫn, rõ ràng và đúng với nhu cầu của khách hàng sẽ tăng CTR, giúp quảng cáo tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu và nâng cao hiệu quả chiến dịch quảng cáo.
Theo dõi và đánh giá hiệu quả chiến dịch
Theo dõi thường xuyên các chỉ số quan trọng như tỉ lệ nhấp chuột , chi phí mỗi lần nhấp (CPC) và tỉ lệ chuyển đổi để đánh giá hiệu quả chiến dịch. Nếu một quảng cáo không mang lại hiệu quả cao, cần điều chỉnh hoặc dừng quảng cáo đó ngay lập tức. Ví dụ: Nếu quảng cáo trên Instagram có CTR thấp hơn dự đoán, doanh nghiệp có thể tạm dừng quảng cáo đó và thử thay đổi hình ảnh hoặc thông điệp quảng cáo.
Điều chỉnh ngân sách cho các kênh hiệu quả
Nếu một kênh quảng cáo đang mang lại kết quả tốt hơn, bạn có thể điều chỉnh ngân sách cho kênh đó cao hơn. Điều này giúp tối ưu hóa ROAS và đảm bảo rằng ngân sách được sử dụng hiệu quả. Ví dụ: Nếu chiến dịch trên Google Ads mang lại ROAS cao hơn chiến dịch Facebook, doanh nghiệp có thể tăng ngân sách cho Google Ads và giảm ngân sách cho Facebook để tối ưu chi phí quảng cáo.
Sử dụng retargeting (quảng cáo nhắm lại đối tượng)
Khi khách hàng đã từng tương tác với quảng cáo nhưng chưa chuyển đổi, doanh nghiệp có thể sử dụng quảng cáo retargeting để tiếp cận lại họ với thông điệp hấp dẫn hơn, khuyến khích họ hoàn tất hành động. Ví dụ: Nếu khách hàng đã thêm sản phẩm vào giỏ hàng nhưng không thanh toán, doanh nghiệp có thể chạy quảng cáo retargeting với thông điệp “Đừng bỏ lỡ! Giảm giá 10% cho bạn khi thanh toán ngay hôm nay.”
Tối ưu nội dung quảng cáo
Dựa trên kết quả từ A/B testing, doanh nghiệp có thể tối ưu lại nội dung quảng cáo để tăng tỉ lệ chuyển đổi. Có thể thay đổi tiêu đề, hình ảnh, thông điệp hoặc lời kêu gọi hành động để tăng hiệu quả quảng cáo. Ví dụ: Nếu thông điệp “Mua ngay hôm nay” không mang lại hiệu quả cao, doanh nghiệp có thể thử thay đổi thành “Chỉ còn 2 giờ để nhận ưu đãi này!” hoặc “Duy nhất từ… đến… siêu deal hoành tráng” để tạo sự khan hiếm và thúc đẩy hành động.
Cải thiện trải nghiệm người dùng trên website
Website cần phải dễ sử dụng và có trải nghiệm mượt mà để khách hàng không gặp khó khăn trong quá trình tương tác và mua hàng. Tối ưu tốc độ tải trang và giao diện người dùng để khách hàng có thể hoàn thành giao dịch một cách nhanh chóng. Ví dụ: Nếu khách hàng phản hồi rằng họ gặp khó khăn khi thanh toán, doanh nghiệp cần cải thiện quy trình thanh toán, làm cho nó đơn giản và nhanh chóng hơn.
Đánh giá lại chỉ số ROAS và các chỉ số khác
Sau khi chiến dịch quảng cáo kết thúc, doanh nghiệp cần đánh giá lại chỉ số ROAS cùng các chỉ số quan trọng như CR phản ánh khả năng chuyển đổi khách hàng và CPC cho biết chi phí hiệu quả quảng cáo. Nếu Return on Ad Spend không đạt kỳ vọng, doanh nghiệp cần xem xét lại cách làm và tối ưu hóa các yếu tố như đối tượng mục tiêu hoặc nội dung quảng cáo. Phân tích kỹ lưỡng các chỉ số này giúp cải thiện chiến dịch trong tương lai và tối ưu hóa ngân sách quảng cáo.
Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về khái niệm Return on Ad Spend, công thức tính ROAS và lý do vì sao doanh cần phải chú trọng vào chỉ số này. Để đạt ROAS cao, doanh nghiệp cần liên tục theo dõi, cải thiện chất lượng quảng cáo, tối ưu landing page & CTA, đánh giá kết quả và kiểm soát ngân sách quảng cáo một cách chặt chẽ. Dương Gia Phát mong rằng bạn sẽ áp dụng những kiến thức mà chúng tôi đã chia sẻ về ROAS vào việc tối ưu hóa các chiến dịch quảng cáo và đạt được kết quả tốt nhất.
Bài viết liên quan:
- Cách cải thiện chỉ số ROI hiệu quả
- Tìm hiểu về Giá trị vòng đời khách hàng – Customer Lifetime Value (CLV)
Quản lý dự án digital marketing