Trong một thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, việc sở hữu một sản phẩm tốt thôi là chưa đủ. Điều khiến khách hàng nhớ đến bạn, chọn bạn thay vì hàng loạt cái tên khác – chính là cách bạn định vị thương hiệu. Định vị không chỉ là việc “bạn bán gì”, mà là cảm xúc, hình ảnh và giá trị mà bạn khắc sâu trong tâm trí người tiêu dùng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ định vị thương hiệu là gì, tại sao nó quan trọng và làm thế nào để xây dựng chiến lược định vị thương hiệu hiệu quả và bền vững.
Định vị thương hiệu là gì?

Định vị thương hiệu (Brand Positioning) là cách doanh nghiệp xác định vị trí riêng biệt trong tâm trí khách hàng mục tiêu so với đối thủ cạnh tranh. Đó không chỉ là việc bạn bán gì, mà là cảm nhận, hình ảnh và giá trị mà thương hiệu để lại trong suy nghĩ người tiêu dùng.
Tại sao định vị thương hiệu quan trọng?

Tạo sự khác biệt rõ ràng giữa thị trường bão hòa
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, hàng loạt thương hiệu cung cấp sản phẩm tương tự nhau về chất lượng, giá cả và dịch vụ. Định vị thương hiệu giúp doanh nghiệp thoát khỏi sự “hòa tan”, trở nên dễ nhận biết và nổi bật.
Ví dụ: Trong ngành sữa, Vinamilk là thương hiệu lâu đời, đa dạng sản phẩm – còn TH True Milk lại chọn định vị “sữa sạch từ thiên nhiên” để tạo khác biệt. Nhờ đó, TH có một “vị trí” riêng trong tâm trí người tiêu dùng.
Dễ ghi nhớ trong tâm trí khách hàng
Một thương hiệu có định vị rõ ràng sẽ khiến khách hàng dễ dàng liên tưởng ngay lập tức đến một hình ảnh, cảm xúc hoặc đặc điểm cụ thể. Điều này đặc biệt quan trọng khi khách hàng đứng trước hàng loạt lựa chọn.
Ví dụ: Khi nhắc đến Apple, người ta thường nghĩ ngay đến sự sang trọng, tối giản và đột phá công nghệ. Không cần nhìn logo, chỉ cần thấy một thiết kế tinh tế, giao diện mượt mà hay trải nghiệm người dùng trơn tru, khách hàng đã có thể liên tưởng đến Apple.
Tăng khả năng được lựa chọn và tạo lòng trung thành
Khi thương hiệu chạm đúng “nỗi đau/insight”, giá trị sống hoặc khát vọng của khách hàng, họ không chỉ mua – mà còn yêu thích, chia sẻ và quay lại nhiều lần. Định vị thương hiệu chính là cầu nối cảm xúc kết giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng.
Ví dụ: Dove định vị thương hiệu là biểu tượng của vẻ đẹp tự nhiên và sự tự tin. Thay vì dùng người mẫu chuyên nghiệp, họ sử dụng hình ảnh phụ nữ thật với thông điệp “Real Beauty”, chạm đến cảm xúc của hàng triệu khách hàng nữ trên toàn cầu
Định hướng toàn bộ chiến lược marketing và truyền thông
Định vị chính là kim chỉ nam cho mọi hoạt động truyền thông từ nội dung quảng cáo, thiết kế bao bì, cách nói chuyện với khách hàng, cho đến cách đào tạo nhân viên. Một định vị rõ ràng giúp thương hiệu giữ thông điệp nhất quán, tránh “rối loạn nhận diện”.
Ví dụ: Highlands Coffee định vị là chuỗi cà phê mang đậm chất Việt hiện đại. Từ không gian quán, menu, ngôn từ marketing đến tone màu đỏ nâu đặc trưng tất cả đều bám sát định vị, khiến khách hàng dễ nhận diện và ghi nhớ.
Tăng giá trị thương hiệu và dễ dàng mở rộng trong tương lai
Khi định vị thương hiệu đã in sâu vào tâm trí khách hàng, thương hiệu không chỉ bán sản phẩm – mà còn sở hữu giá trị vô hình. Đây chính là lý do làm cho doanh nghiệp có thể định giá cao hơn, dễ dàng ra mắt sản phẩm mới hoặc hợp tác với các đối tác lớn.
Ví dụ: Apple không chỉ bán điện thoại – họ đã định vị thành công là thương hiệu sang trọng, cao cấp, khác biệt. Vì vậy, dù mở rộng sang tai nghe, đồng hồ hay dịch vụ,… khách hàng vẫn sẵn sàng mua, vì tin vào thương hiệu chứ không riêng gì về sản phẩm.
Các chiến lược định vị thương hiệu phổ biến

Mỗi thương hiệu cần một “vị trí riêng” trong tâm trí khách hàng. Tùy vào mục tiêu, thị trường và đối tượng mà thương hiệu có thể lựa chọn chiến lược định vị phù hợp. Dưới đây là 6 chiến lược định vị phổ biến nhất:
Định vị theo thuộc tính hoặc đặc điểm nổi bật
Đây là cách định vị dựa trên một tính năng, thành phần hoặc đặc điểm cụ thể của sản phẩm/dịch vụ. Thường được dùng khi thương hiệu có một điểm mạnh dễ nhận diện và ít đối thủ có được.
Ví dụ: Colgate định vị sản phẩm của mình với thuộc tính “chống sâu răng”, nhấn mạnh vào khả năng chăm sóc răng miệng vượt trội. Người tiêu dùng nhớ đến Colgate là nhớ đến chống sâu răng hiệu quả.
Phù hợp với: Sản phẩm có điểm mạnh kỹ thuật, công nghệ hoặc thành phần vượt trội.
Định vị theo lợi ích mà khách hàng nhận được
Ở chiến lược này, thương hiệu không tập trung vào tính năng sản phẩm, mà làm nổi bật lợi ích cụ thể mà người dùng sẽ cảm nhận.
Ví dụ: Omo không nói quá nhiều về thành phần bột giặt, mà nhấn mạnh vào lợi ích “đánh bay vết bẩn” – điều mà nhiều người tiêu dùng thực sự quan tâm.
Phù hợp với: Sản phẩm tiêu dùng nhanh, sản phẩm cần chạm đến nhu cầu thực tế rõ ràng.
Định vị theo giá cả – chất lượng
Chiến lược này tạo dựng hình ảnh thương hiệu dựa trên mức giá so với chất lượng sản phẩm hoặc giá rẻ – chất lượng tốt hay cao cấp – xứng đáng với giá tiền.
Ví dụ: Biti’s Hunter định vị là giày thể thao “giá hợp lý – chất lượng tốt”, phù hợp với giới trẻ Việt Nam cần một đôi giày vừa túi tiền mà vẫn thời trang.
Phù hợp với: Thị trường có cạnh tranh gay gắt về giá hoặc thương hiệu muốn nhắm đến phân khúc phổ thông/cao cấp.
Định vị theo nhóm khách hàng mục tiêu
Thương hiệu chọn tập trung vào một nhóm người dùng cụ thể và xây dựng toàn bộ hình ảnh, thông điệp, sản phẩm xoay quanh nhóm đó.
Ví dụ: The Coffee House hướng đến đối tượng là người trẻ sống ở thành thị, yêu thích không gian hiện đại, thoải mái để làm việc và gặp gỡ bạn bè.
Phù hợp với: Thương hiệu muốn xây dựng cộng đồng trung thành, dễ nhắm trúng “insight” cụ thể.
Định vị bằng cách tạo sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh
Chiến lược này cần sự khéo léo sử dụng chính đối thủ mạnh trong ngành để làm điểm đối chiếu, từ đó định vị mình là lựa chọn thay thế tốt hơn, khác biệt hơn.
Ví dụ: Pepsi định vị là thương hiệu trẻ trung, mới mẻ, đối lập với hình ảnh truyền thống của Coca-Cola
Phù hợp với: Thị trường đã có “ông lớn” chiếm lĩnh, bạn muốn nổi bật nhờ tạo sự đối lập.
Định vị theo cảm xúc hoặc phong cách sống
Chiến lược này hướng đến xây dựng hình ảnh thương hiệu gắn với cảm xúc, giá trị sống hoặc phong cách cá nhân, thay vì nói về sản phẩm.
Ví dụ: Apple không chỉ bán điện thoại – họ bán “trải nghiệm sang trọng, đẳng cấp, khác biệt”. Người dùng Apple không đơn thuần mua sản phẩm, mà mua giá trị sống và cảm giác thuộc về một cộng đồng tinh tế, hiện đại.
Phù hợp với: Thương hiệu cao cấp hoặc sản phẩm mang yếu tố phong cách cá nhân như thời trang, công nghệ, lifestyle.
Các bước định vị thương hiệu thành công

Bước 1: Hiểu rõ khách hàng mục tiêu
Trước khi định vị, bạn cần biết rõ mình đang nói với ai?
- Họ là ai? (Tuổi, giới tính, nghề nghiệp, thu nhập, sở thích, hành vi tiêu dùng…)
- Họ cần gì? (Lý do họ tìm đến sản phẩm/dịch vụ bạn cung cấp)
- Yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định mua hàng? (Giá cả, thương hiệu, cảm xúc, tiện lợi…)
Ví dụ: Nếu bạn nhắm đến người trẻ thành thị, họ có thể quan tâm đến phong cách sống, trải nghiệm mới mẻ và cảm xúc khi sử dụng sản phẩm.
Bước 2: Phân tích đối thủ cạnh tranh
Để nổi bật, bạn cần biết người khác đang làm gì? Phân tích cách đối thủ đang truyền thông, họ mạnh ở đâu, yếu ở đâu. Điều này giúp bạn tránh lặp lại và tìm ra lối đi riêng biệt.
- Họ đang định vị ra sao? (Chất lượng cao? Giá rẻ? Dịch vụ nhanh?)
- Điểm mạnh của họ là gì? (Thương hiệu lâu đời, ngân sách lớn, mạng lưới rộng…)
- Họ còn điểm yếu nào? (Thiếu cảm xúc? Không sáng tạo? Khó tiếp cận giới trẻ?)
Bước 3: Xác định điểm khác biệt của thương hiệu
Giữa vô vàn lựa chọn, điều gì khiến khách hàng nên chọn bạn? Giá tốt? Dịch vụ chu đáo? Trải nghiệm đáng nhớ? Hãy tìm ra một điểm thật sự nổi bật USP và đáng tin cậy – đó sẽ là “kim chỉ nam” cho toàn bộ chiến lược định vị.
- Điều gì thương hiệu bạn có mà đối thủ không có?
- Lợi ích độc đáo nào bạn mang lại cho khách hàng?
- Tại sao khách hàng nên chọn bạn thay vì thương hiệu khác?
Ví dụ như các thương hiệu nước mắm “thuần khiết từ cá cơm và muối biển” khác biệt hoàn toàn so với “nước mắm công nghiệp”
Bước 4: Xây dựng thông điệp định vị
Khi đã xác định được điểm mạnh, hãy gói gọn nó trong một câu súc tích – đủ để khách hàng ghi nhớ ngay từ lần đầu tiên. Thông điệp định vị tốt sẽ trở thành câu chuyện thương hiệu, được nhắc lại trên mọi kênh social media.
Nguyên tắc viết thông điệp:
- Dưới 10 từ
- Truyền tải giá trị cốt lõi
- Dễ nhớ, dễ lan truyền
- Phù hợp với cảm xúc và hình ảnh thương hiệu
Ví dụ:
- OMO: “Đánh bay vết bẩn cứng đầu”
- TH True Milk: “Sữa sạch từ trang trại”
- Bitis Hunter: “Đi để trở về”
Bước 5: Truyền thông và duy trì định vị
Thông điệp định vị không chỉ tồn tại trong lời nói, nó cần được thể hiện xuyên suốt mọi điểm chạm: từ quảng cáo, bao bì, sản phẩm, cho đến cách nhân viên phục vụ khách hàng. Đó là cách thương hiệu tạo ra sự nhất quán và xây dựng lòng tin dài hạn.
Hãy đảm bảo:
- Tất cả kênh truyền thông truyền tải cùng một thông điệp
- Nhân viên hiểu và sống đúng với tinh thần thương hiệu
- Trải nghiệm khách hàng phản ánh chính xác định vị bạn xây dựng
Ví dụ định vị thương hiệu nổi bật tại Việt Nam
Định vị thương hiệu TH True Milk

TH True Milk chọn chiến lược định vị khác biệt rõ rệt so với các đối thủ cùng ngành bằng việc nhấn mạnh yếu tố sữa sạch với thông điệp “Thật sự thiên nhiên”. Thay vì chỉ nói về dinh dưỡng, họ tập trung vào quy trình khép kín, minh bạch từ trang trại đến ly sữa.
Điều đó làm cho khách hàng không chỉ nhớ đến TH là sữa ngon, mà còn tin tưởng đó là lựa chọn an toàn cho cả gia đình, nhất là trẻ nhỏ. Khi nghĩ đến “sữa sạch”, người tiêu dùng Việt lập tức nhớ đến TH True Milk.
Định vị thương hiệu The Coffee House

Thay vì cạnh tranh bằng giá hay cà phê truyền thống, The Coffee House lựa chọn định vị thương hiệu là một không gian kết nối – làm việc – thư giãn dành riêng cho giới trẻ thành thị. Mọi thứ từ thiết kế, cách phục vụ đến truyền thông đều xoay quanh trải nghiệm này.
Do đó, khách hàng nhớ đến The Coffee House không chỉ vì cà phê, mà vì không gian thân thuộc, tiện lợi – nơi người trẻ có thể gặp gỡ, thư giãn và làm việc bất kỳ lúc nào.
Định vị thương hiệu Vietnam Airlines

Vietnam Airlines không định vị theo giá rẻ mà tập trung vào việc trở thành đại diện cho hình ảnh quốc gia: chuyên nghiệp – chuẩn 4 sao – dịch vụ đẳng cấp với slogan “Vạn dặm nâng niu”. Họ nhấn mạnh sự khác biệt so với các hãng hàng không giá rẻ bằng trải nghiệm bay thoải mái, an toàn và mang đậm bản sắc Việt.
Điều đó cũng làm cho khách hàng nghĩ ngay đến Vietnam Airlines khi cần một trải nghiệm bay an toàn, đẳng cấp, đáng tin cậy, nhất là trong các chuyến công tác, đi quốc tế. Thương hiệu trở thành biểu tượng của sự chỉn chu và uy tín.
Định vị thương hiệu Trung Nguyên

Khác với các thương hiệu chỉ nhấn mạnh hương vị, Trung Nguyên định vị là thương hiệu cà phê gắn với tri thức, tinh thần khởi nghiệp và giá trị văn hóa Việt. Với thông điệp “Cà phê năng lượng – Cà phê đổi đời”, Trung Nguyên truyền cảm hứng mạnh mẽ về một cuộc sống đầy năng lượng và thay đổi tích cực.
Trung Nguyên không chỉ là một thương hiệu cà phê – khi nghĩ đến Trung Nguyên, người ta nghĩ đến động lực, hoài bão và tinh thần Việt Nam. Khách hàng không chỉ mua cà phê, mà họ mua một triết lý sống, một ngọn lửa khởi nghiệp đầy khát vọng và cảm hứng.
Nỗi đau thầm lặng của định vị: Ba sai lầm khiến thương hiệu không ai nhớ

Định vị chung chung
Định vị quá mơ hồ như “chất lượng tốt, giá phải chăng, phục vụ tận tâm” không tạo được sự khác biệt rõ rệt. Đây là những giá trị mà hầu hết các thương hiệu đều nói, khiến khách hàng không thể phân biệt bạn với đối thủ. Để gây ấn tượng, thương hiệu cần có thông điệp độc đáo và rõ ràng, có thể ghi dấu trong tâm trí khách hàng.
Định vị bắt chước
Việc cố gắng sao chép định vị của đối thủ thành công, mà không xem xét nguồn lực hoặc tệp khách hàng của mình, có thể gây ra thất bại. Nếu ngân sách hạn chế hoặc khách hàng của bạn có nhu cầu và kỳ vọng khác biệt, việc bắt chước sẽ không chỉ thiếu hiệu quả mà còn làm thương hiệu trở nên mờ nhạt. Cần xây dựng định vị phù hợp với lợi thế và giá trị riêng của mình, thay vì sao chép từ người khác.
Định vị nội bộ không thực tế
Một sai lầm lớn nữa là khi đội ngũ nội bộ đánh giá thương hiệu của mình quá cao, ví dụ tự xem mình là “cao cấp, sang trọng”, nhưng khách hàng lại không cảm nhận được điều đó. Định vị thương hiệu phải dựa trên trải nghiệm thực tế của khách hàng, không phải chỉ là ý nghĩ chủ quan của đội ngũ. Nếu không, khách hàng sẽ cảm thấy bị lừa dối và không còn niềm tin vào thương hiệu của bạn.
Ví dụ như Nokia – điển hình về một thương hiệu không cập nhật và thay đổi định vị của mình kịp thời. Trong giai đoạn hoàng kim, Nokia tự định vị mình là “chất lượng bền bỉ, công nghệ tiên tiến”. Nokia tin rằng họ vẫn là “vua công nghệ”, dù thị trường smartphone bắt đầu lên ngôi với iPhone và Android, Nokia vẫn duy trì những sản phẩm cũ kỹ với hệ điều hành Symbian, mà không kịp thích ứng với nhu cầu thị trường. Thương hiệu này không nghe theo phản hồi của người tiêu dùng và tiếp tục khẳng định vị thế của mình như một biểu tượng công nghệ trong khi sự thật không như vậy. Kết quả là, Nokia dần mất thị phần và cuối cùng bị Microsoft mua lại
Checklist tự đánh giá định vị thương hiệu: 7 câu hỏi để biết bạn đang thật sự khác biệt hay không

Thương hiệu bạn được mô tả bằng 3 từ nào?
Hãy chắc chắn rằng bạn có thể mô tả thương hiệu của mình bằng 3 từ dễ nhớ và nổi bật. Những từ này nên phản ánh giá trị cốt lõi và điểm mạnh đặc biệt mà thương hiệu muốn truyền tải. Ví dụ, Apple có thể là “sáng tạo, khác biệt, đẳng cấp”.
Bạn có ít nhất 1 điểm độc đáo mà đối thủ không có?
Điểm khác biệt là yếu tố quan trọng giúp bạn nổi bật. Đảm bảo có ít nhất một yếu tố mà đối thủ không có như dịch vụ độc đáo hoặc trải nghiệm khách hàng khác biệt. Nếu không có sự khác biệt rõ ràng, bạn dễ bị “hoà tan” giữa các đối thủ.
Thông điệp thương hiệu có rõ ràng, ngắn gọn và nhất quán không?
Thông điệp thương hiệu phải dễ hiểu và dễ nhớ, đồng thời phản ánh giá trị cốt lõi. Nếu thông điệp quá phức tạp hoặc thiếu nhất quán, khách hàng sẽ khó nhớ và hiểu bạn là ai. Đảm bảo thông điệp được truyền tải rõ ràng trên mọi kênh social media.
Trải nghiệm khách hàng có phản ánh đúng định vị thương hiệu không?
Nếu bạn định vị là thương hiệu cao cấp nhưng trải nghiệm không tương xứng, khách hàng sẽ cảm thấy thất vọng. Hãy kiểm tra mọi khía cạnh của hành trình khách hàng từ sản phẩm đến dịch vụ.
Xem thêm: Các bước xây dựng hành trình khách hàng hiệu quả
Nếu biến mất khỏi thị trường, khách hàng có nhớ bạn không?
Đây là câu hỏi để đánh giá sự bền vững của thương hiệu. Nếu bạn biến mất và không có ai nhớ đến bạn, có thể định vị của bạn chưa đủ mạnh. Thương hiệu mạnh mẽ sẽ để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí khách hàng.
Đối với một khách hàng mới, bạn muốn họ nhớ gì về bạn sau 30 giây?
Sau 30 giây, khách hàng mới cần nhận diện rõ bạn là ai và tại sao họ nên chọn bạn. Điều này có thể là một lợi ích duy nhất hoặc giá trị cốt lõi nổi bật. Đảm bảo bạn có thể truyền tải thông điệp nhanh chóng và dễ hiểu.
Đội ngũ nội bộ có hiểu rõ và đồng lòng với định vị thương hiệu không?
Định vị thương hiệu cần được hiểu và thực hiện bởi tất cả các bộ phận trong công ty. Mọi nhân viên phải nhận thức rõ về tầm quan trọng của định vị và cùng nhau thực hiện chiến lược chung. Điều này giúp tạo ra một trải nghiệm đồng nhất và củng cố niềm tin khách hàng.
Bạn nghĩ sao về các yếu tố trong định vị thương hiệu? Hãy để lại bình luận bên dưới để chúng ta cùng thảo luận và chia sẻ thêm!
Định vị thương hiệu không chỉ là bước đi đầu tiên, mà còn là nền móng vững chắc cho mọi hoạt động marketing về sau. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vai trò, quy trình và cách xây dựng định vị thương hiệu hiệu quả, từ đó tạo nên sự khác biệt và ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng.
Để tiếp tục khám phá các kiến thức chuyên sâu về marketing và chiến lược xây dựng thương hiệu, mời bạn ghé thăm chuyên mục Kiến thức Digital Marketing trên website của Dương Gia Phát. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

Chuyên viên Content Marketing