Thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt “Bạn chiếm lĩnh thị trường, hoặc bạn sẽ bị lãng quên!” – không có chỗ cho sự trung bình, nếu doanh nghiệp không tạo được dấu ấn, không dẫn đầu trong ngành, bạn sẽ nhanh chóng bị “nuốt chửng” bởi những đối thủ mạnh hơn. Do đó, việc liên tục nghiên cứu & phân tích đối thủ cạnh tranh là công việc thiết yếu với mọi doanh nghiệp. Hãy cùng Dương Gia Phát tìm hiểu các thông tin chi tiết về chủ đề này trong bài viết sau nhé!
Tổng quan về phân tích thủ cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh là gì?

Đối thủ cạnh tranh là các doanh nghiệp hoặc tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ tương tự hoặc thay thế, nhắm đến cùng một nhóm khách hàng hoặc đáp ứng cùng một nhu cầu thị trường như doanh nghiệp của bạn. Họ có thể hoạt động trong cùng ngành hoặc các ngành liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần và doanh thu của bạn.
Xem thêm: Mô hình kinh doanh là gì? Các mô hình phổ biến và cách xây dựng hiệu quả
Phân loại đối thủ cạnh tranh
Theo thực tế thị trường kinh doanh, đối thủ cạnh tranh có thể được chia thành 04 nhóm chính như sau:
- Đối thủ cạnh tranh trực tiếp: Đây là những doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực, cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ tương đồng, hướng đến cùng một nhóm khách hàng mục tiêu của bạn. Ngoài ra, các doanh nghiệp này hoạt động trong cùng khu vực địa lý và khai thác các kênh phân phối tương tự. Ví dụ: Coca-Cola và Pepsi trong ngành nước giải khát.
- Đối thủ cạnh tranh gián tiếp: Đây là những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ khác biệt về bản chất, nhưng cùng hướng đến việc thỏa mãn một nhu cầu hoặc mong muốn tương đồng của khách hàng. Mặc dù không cạnh tranh trực tiếp về chủng loại sản phẩm, họ vẫn có khả năng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng và đáp ứng cùng nhu cầu nhưng với sản phẩm khác biệt. Ví dụ: Quán cà phê và quán trà sữa đều phục vụ nhu cầu giải khát.
- Đối thủ cạnh tranh tiềm năng: Đây là những doanh nghiệp hiện chưa tham gia vào thị trường nhưng có khả năng gia nhập và tạo ra ảnh hưởng đáng kể trong tương lai. Họ có thể là các công ty mới đang chuẩn bị bước vào ngành, hoặc là những doanh nghiệp hiện hữu trong lĩnh vực khác nhưng sở hữu nguồn lực, công nghệ hoặc chiến lược đủ mạnh để mở rộng hoạt động và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Ví dụ: Google là một tập đoàn có tiềm lực lớn, họ hoàn toàn có thể gia nhập thị trường sản xuất xe điện và cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ lớn.
- Đối thủ cạnh tranh trong tiềm thức: Đây là những đối thủ khó nhận diện nhất, bởi họ không trực tiếp cạnh tranh rõ ràng. Tuy nhiên, trong tâm trí người tiêu dùng, các sản phẩm hoặc dịch vụ này vẫn có thể đóng vai trò thay thế cho giải pháp mà bạn đang cung cấp. Ví dụ: Nếu doanh nghiệp của bạn kinh doanh sản phẩm xịt mọc tóc, thì các thương hiệu bán thực phẩm bổ sung chất kẽm có thể được xem là đối thủ cạnh tranh trong tiềm thức.
Lý do doanh nghiệp cần thực hiện nghiên cứu đối thủ cạnh tranh

Việc thực hiện nghiên cứu đối thủ cạnh tranh mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, có thể kể đến như:
- Thấu hiểu thị trường và khách hàng: Doanh nghiệp có thể nắm bắt được bức tranh toàn cảnh về thị trường, nhận diện các cơ hội tiềm năng và những thách thức hiện hữu. Ngoài ra, phân tích này còn giúp doanh nghiệp hiểu thêm về xu hướng & hành vi người tiêu dùng, nắm bắt sâu hơn về hành trình khách hàng, qua đó tối ưu kế hoạch kinh doanh.
- Có bức tranh toàn cảnh về đối thủ: Nghiên cứu đối thủ giúp doanh nghiệp xác định những doanh nghiệp đang dẫn đầu, những đối thủ đang tăng trưởng mạnh và cả những thương hiệu có dấu hiệu suy giảm. Ngoài ra, việc phân tích này còn giúp doanh nghiệp có thêm thông tin và hiểu về hành trình khách hàng.
- Đánh giá SWOT và tìm kiếm cơ hội: Thông qua phân tích SWOT (Strengths – Weaknesses – Opportunities – Threats), doanh nghiệp dễ dàng đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu nội tại, cũng như cơ hội và nguy cơ từ môi trường bên ngoài. Đây là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp xác định các hướng đi chiến lược, nên tập trung đầu tư vào kênh nào, cần cải thiện những điểm yếu nào đang tồn tại và phải chuẩn bị ra sao để ứng phó với những thay đổi mới.
- Cải thiện sản phẩm/dịch vụ: Doanh nghiệp có thể tối ưu việc phát triển sản phẩm/dịch vụ, thông qua hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu so với thị trường & đối thủ. Từ đó, thương hiệu có thể xây dựng kế hoạch nâng cấp sản phẩm, cải thiện dịch vụ hiện tại, tung ra sản phẩm mới, triển khai chương trình ưu đãi hoặc thậm chí là mở rộng sang phân khúc khách hàng tiềm năng chưa được khai thác.
- Tối ưu hóa kế hoạch kinh doanh: Những dữ liệu thu thập từ phân tích đối thủ cho phép doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo hướng hiệu quả hơn. Từ đó, doanh nghiệp xác định được nên triển khai hoạt động ở kênh nào, có nên mở rộng tệp khách hàng mới hay không, và cần thay đổi những gì trong kế hoạch marketing hay bán hàng để tăng tính cạnh tranh.
- Giảm thiểu rủi ro: Khi doanh nghiệp hiểu rõ mình và hiểu rõ đối thủ, các quyết định chiến lược sẽ trở nên chắc chắn và có cơ sở hơn. Việc lường trước được những rủi ro tiềm ẩn từ thị trường hoặc nhận diện những đối thủ hay cách làm đã quá thành công trong ngành, giúp doanh nghiệp xây dựng các kế hoạch quản trị rủi ro hiệu quả, tránh được những tổn thất khi “đối đầu” với các đối thủ quá lớn.
> “Theo Emerald: 90% doanh nghiệp nằm trong Fortune 500 đang sử dụng thông tin thu thập về đối thủ cạnh tranh để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.”
Các bước thực hiện phân tích đối thủ cạnh tranh

Xác định và phân loại đối thủ cạnh tranh
Để bắt đầu quá trình xác định đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp cần xác định rõ bối cảnh kinh doanh và ngành hàng mà mình đang hoạt động. Điều này bao gồm việc hiểu rõ đặc điểm sản phẩm/dịch vụ, giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp mang lại, cũng như thị trường mục tiêu và nhóm khách hàng mà doanh nghiệp đang hướng đến.
Dựa trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể phân loại đối thủ cạnh tranh thành 04 nhóm chính, với các đặc điểm mà Dương Gia Phát đã phân tích ở phần trên:
- Đối thủ cạnh tranh trực tiếp
- Đối thủ cạnh tranh gián tiếp.
- Đối thủ cạnh tranh tiềm năng.
- Đối thủ cạnh tranh trong tiềm thức.
Để xác định và phân loại các đối thủ cạnh thì bạn cần trả lời một số câu hỏi sau:
- Doanh nghiệp nào cung cấp sản phẩm/dịch vụ tương tự bạn?
- Có doanh nghiệp nào cung cấp giải pháp thay thế cho nhu cầu của khách hàng của bạn không?
- Có thị trường ngách hoặc phân khúc khách hàng nào mà đối thủ đã khai thác trước bạn không?
Ngoài ra để phân tích chuyên sâu, bạn có thể tham khảo các mô hình và công cụ phân tích như SWOT, PESTEL, hay Porter’s Five Forces.
Thu thập thông tin
Việc thu thập thông tin toàn diện về đối thủ là bước quan trọng trong quá trình phân tích. Các nhóm thông tin cơ bản cần được doanh nghiệp chú trọng bao gồm:
- Thông tin tổng quan: Bao gồm cấu trúc tổ chức, quy mô hoạt động, mô hình kinh doanh, lịch sử hình thành và phát triển.
- Sản phẩm/Dịch vụ: Mô tả chi tiết về tính năng, công dụng, bao bì, thiết kế, định vị giá, và điểm khác biệt (USP – Unique Selling Proposition). Ngoài ra, cần theo dõi cả từ khóa mà đối thủ sử dụng trong hoạt động truyền thông để hiểu rõ kế hoạch tiếp cận khách hàng của họ.
- Kênh phân phối: Xác định các nền tảng và phương thức mà đối thủ sử dụng để đưa sản phẩm/dịch vụ ra thị trường – bao gồm kênh trực tuyến, đại lý, nhà phân phối và hoạt động thương mại điện tử.
- Kế hoạch truyền thông: Đánh giá nội dung, thông điệp truyền thông, kế hoạch truyền thông, cũng như hiệu quả tiếp cận và tương tác với khách hàng. Việc phân tích loại hình nội dung (video, bài viết, infographic…) cũng giúp doanh nghiệp học hỏi và cải tiến cách tiếp cận hiệu quả.
- Khách hàng mục tiêu và cảm nhận thị trường: Theo dõi mức độ nhận biết thương hiệu, sự hài lòng, đánh giá và phản hồi từ người tiêu dùng để hiểu rõ vị thế của đối thủ trong mắt thị trường.
Phân tích dữ liệu đối thủ cạnh tranh
Sau khi đã thu thập đủ thông tin, doanh nghiệp cần hệ thống hóa và phân tích dữ liệu để dễ dàng theo dõi, đối chiếu và trích xuất thông tin chiến lược. Các tiêu chí quan trọng khi doanh nghiệp phân tích dữ liệu từ đối thủ có thể bao gồm:
- Chiến lược định giá: Mức giá trung bình, phân khúc giá, chương trình khuyến mãi doanh nghiệp đối thủ đang triển khai.
- Chiến lược marketing: Tần suất, thông điệp, nền tảng đối thủ sử dụng.
- Thị phần hiện tại: Ước tính quy mô và tốc độ tăng trưởng của đối thủ.
- Chất lượng sản phẩm/dịch vụ: Thông qua đánh giá khách hàng, phản hồi thị trường.
- Điểm mạnh và điểm yếu: Được xác định từ tổng hợp thông tin đã thu thập.
- Cơ hội và rủi ro: Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của đối thủ trong thời gian tới.
Thông qua quá trình phân tích có hệ thống này, doanh nghiệp không chỉ hiểu rõ hơn về đối thủ mà còn có thể đưa ra các kế hoạch ứng biến thông minh, gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Tổng hợp báo cáo thông tin về đối thủ cạnh tranh
Tổng hợp báo cáo thông tin nghiên cứu đối thủ cạnh tranh là bước cuối cùng để hệ thống hóa dữ liệu, giúp doanh nghiệp hiểu rõ thị trường và định hướng chiến lược.
Bảng tổng hợp báo cáo của doanh nghiệp có thể bao gồm:
- Danh sách và phân loại đối thủ (trực tiếp, gián tiếp, tiềm năng), kèm thông tin như tên, sản phẩm chính và thị phần ước tính.
- Phân tích SWOT cho từng đối thủ chính giúp làm rõ điểm mạnh (như thương hiệu, chất lượng), điểm yếu (như dịch vụ kém), cơ hội (xu hướng thị trường) và thách thức (cạnh tranh mới).
- Bảng so sánh điểm mạnh, điểm yếu giữa doanh nghiệp và đối thủ dựa trên các tiêu chí như giá cả, marketing, chất lượng sẽ chỉ ra những lĩnh vực cần cải thiện hoặc khai thác.
Ngoài ra, báo cáo cũng cần nêu rõ cơ hội (như thị trường ngách, xu hướng mới) và thách thức (như đối thủ giảm giá, mở rộng) để doanh nghiệp ưu tiên nguồn lực. Từ các phân tích này, doanh nghiệp có thể đề xuất chiến lược cụ thể, chẳng hạn cải thiện sản phẩm để vượt qua điểm yếu của đối thủ, tăng cường quảng bá trên mạng xã hội, hoặc thử nghiệm giá cạnh tranh.
Mẫu phân tích đối thủ cạnh tranh chi tiết cho mọi doanh nghiệp

Để xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả, việc có một mẫu phân tích đối thủ cạnh tranh rõ ràng và bài bản là điều không thể thiếu. Một file tổng hợp thông tin & phân tích chi tiết giúp doanh nghiệp ở mọi ngành có thể áp dụng dễ dàng nhằm đánh giá thị trường, nhận diện đối thủ và tối ưu lợi thế cạnh tranh.
Bạn có thể tải ngay file mẫu phân tích đối thủ cạnh tranh TẠI ĐÂY.
Phân tích đối thủ cạnh tranh là bước không thể thiếu để doanh nghiệp phát triển bền vững trong thị trường kinh doanh cạnh tranh. Hy vọng qua bài viết trên, Dương Gia Phát đã có thể giúp bạn có những thông tin hữu ích nhằm hiểu rõ hơn về đối thủ, thị trường và nội tại của doanh nghiệp để phát triển mạnh mẽ hơn.
Nếu doanh nghiệp của bạn đã xây dựng được hệ thống phân tích đối thủ cạnh tranh chi tiết, thì đây chính là thời điểm lý tưởng để chuyển hóa nó thành lợi thế khác biệt trên thị trường. Dương Gia Phát sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong việc kết nối khách hàng mục tiêu và mở rộng quy mô hoạt động thông qua các giải pháp tư vấn triển khai digital marketing tổng thể cho doanh nghiệp.

Chuyên viên Content Marketing