Cách viết content bằng ChatGPT và nguyên tắc tạo prompt hiệu quả

Sự xuất hiện của ChatGPT đã tạo ra một bước đột phá lớn trong việc sáng tạo nội dung trên nền tảng số, từ việc tìm kiếm ý tưởng, sản xuất nội dung đa dạng, đến việc tùy chỉnh theo từng đối tượng và kênh khác nhau,… Nếu bạn là người làm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung hay một nhà bán hàng hiện đại, việc tận dụng xu hướng này chắc chắn sẽ giúp năng suất và hiệu quả công việc tăng lên đáng kể. Vậy cách viết content bằng ChatGPT được thực hiện như thế nào? Mời bạn cùng Dương Gia Phát tìm hiểu chi tiết qua nội dung dưới đây.

Cách viết content bằng ChatGPT hiệu quả

Hướng dẫn cách sử dụng ChatGPT viết content
Hướng dẫn cách viết content bằng ChatGPT

Để việc sử dụng ChatGPT viết content đạt hiệu quả tối ưu, bạn cần kết hợp giữa tư duy sáng tạo và các phương pháp thực hành. Dưới đây là cách viết content bằng ChatGPT mà bạn có thể tham khảo và áp dụng:

Xác định rõ các yêu cầu của bài viết

Để tạo ra nội dung chất lượng và đáp ứng đúng yêu cầu, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng thông tin đầu vào cung cấp cho ChatGPT. Bạn hãy làm rõ những câu hỏi sau:

  • Ai là người đọc bài viết? (Ví dụ: doanh nhân, sinh viên, mẹ bỉm sữa,…).
  • Mục tiêu của bài viết là gì? (Ví dụ: tăng doanh số, giải thích một khái niệm, chia sẻ kinh nghiệm…).
  • Những thông điệp chính bạn muốn truyền tải? (Ví dụ: lợi ích sản phẩm, cách giải quyết một vấn đề cụ thể,…).
  • Bài viết cần đạt tiêu chuẩn nào? (Ví dụ: phong cách chuyên nghiệp, ngắn gọn, truyền cảm hứng…).
  • Có từ khóa chính nào cần xuất hiện không? (Nếu bài viết hướng đến mục tiêu SEO, từ khóa chính và phụ cần được xác định trước).
  • Bạn muốn kêu gọi hành động gì từ người đọc sau khi đọc xong? (Ví dụ: Đăng ký dịch vụ, chia sẻ bài viết, tải tài liệu miễn phí, hoặc để lại thông tin liên hệ,…).
  • Có giới hạn độ dài hoặc cấu trúc cụ thể nào cho bài viết không? Ví dụ: Bài viết cần dài 1000 từ, chia thành 3 phần lớn với các tiêu đề phụ rõ ràng.
  • Bài viết được đăng tải trên nền tảng nào?…

Thu thập thêm thông tin và dữ liệu liên quan

Bạn nên thu thập đầy đủ thông tin trước khi bắt đầu sử dụng ChatGPT để tránh mất thời gian quay lại bổ sung, đồng thời ChatGPT cũng sẽ làm tốt nhất nếu bạn cung cấp chi tiết và đầy đủ trong yêu cầu. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị:

  • Thông tin chính xác: Các tài liệu, báo cáo, hoặc dữ liệu từ nguồn đáng tin cậy.
  • Ví dụ cụ thể: Câu chuyện, số liệu thực tế liên quan để làm bài viết sinh động hơn.
  • Từ khóa chính và phụ: Để tối ưu SEO (nếu cần),…

Tạo câu lệnh cho ChatGPT

Đến đây, bạn hãy cung cấp câu lệnh (prompt) rõ ràng, cụ thể và chi tiết cho ChatGPT. Các yếu tố của một prompt hiệu quả:

  • Ngữ cảnh: Cung cấp thông tin về bài viết.
  • Mục tiêu: Rõ ràng về mục tiêu và đối tượng bài viết.
  • Cấu trúc cụ thể: Chỉ ra các phần bạn cần (mở bài, thân bài, kết bài).
  • Phong cách viết: Nêu rõ giọng văn (thân thiện, chuyên nghiệp, hài hước,…).
  • Yêu cầu cụ thể: Độ dài, từ khóa, hoặc điểm nhấn đặc biệt,…

Ví dụ:

“Viết bài hướng dẫn cách tiết kiệm chi phí du lịch cho sinh viên, dài 800 từ. Bài viết cần chia thành 3 phần: mở bài giới thiệu ngắn gọn; thân bài gồm các mẹo cụ thể như đặt vé sớm, chọn chỗ ở giá rẻ; kết bài khuyến khích thử áp dụng. Giọng văn gần gũi, dễ hiểu”.

Chia nhỏ yêu cầu để ChatGPT triển khai từng bước

Nếu bạn viết bài dài hoặc phức tạp, bạn hãy chia nhỏ yêu cầu thành từng phần để ChatGPT triển khai nội dung chi tiết. Bạn có thể đưa ra các yêu cầu cụ thể:

  • Gợi ý tiêu đề hấp dẫn.
  • Viết từng đoạn mở bài, thân bài, kết bài riêng lẻ.
  • Triển khai từng ý chính chi tiết.
  • Yêu cầu viết kết luận…

Ví dụ:

  • Gợi ý 5 tiêu đề hấp dẫn cho bài viết về tiết kiệm chi phí du lịch.
  • Viết đoạn mở bài 150 từ nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc tiết kiệm khi đi du lịch.

Thêm tính cá nhân và giá trị độc đáo cho nội dung

ChatGPT là công cụ hỗ trợ, nhưng yếu tố sáng tạo và góc nhìn cá nhân sẽ làm bài viết của bạn khác biệt. Bạn có thể đưa thêm yêu cầu cho ChatGPT như sau:

  • Thêm ví dụ thực tế: Bạn có thể yêu cầu ChatGPT cung cấp thêm ví dụ minh họa cụ thể.
  • Kết nối cảm xúc: Yêu cầu ChatGPT viết thêm phần liên kết cảm xúc với độc giả.

Kiểm tra, chỉnh sửa và bổ sung nội dung sau khi nhận kết quả

Dù ChatGPT cung cấp nội dung tốt, nhưng bạn cần xem xét lại để đảm bảo bài viết đạt chuẩn và mang đến giá trị thực sự cho người đọc. Các bước kiểm tra:

  • Độ chính xác: Đọc và đối chiếu thông tin quan trọng (số liệu, kiến thức chuyên môn), cập nhật thêm các thông tin mới (nếu cần).
  • Tính mạch lạc: Đảm bảo bài viết có bố cục rõ ràng, dễ theo dõi, các ý trong bài có liên kết logic với nhau.
  • Câu chữ rõ ràng: Loại bỏ các đoạn quá dài dòng hoặc không cần thiết.
  • Điều chỉnh phong cách: Thêm dấu ấn cá nhân hoặc phong cách phù hợp với đối tượng đọc.
  • Kiểm tra đạo văn: Dùng công cụ kiểm tra như SmallSEOTools, DoIT hoặc Plagiarism Detector để đảm bảo nội dung không sao chép.

Nguyên tắc tạo prompt ChatGPT viết content tối ưu

Cách tạo câu lệnh Chat GPT viết content
Cách tạo prompt ChatGPT viết content chất lượng

Để ChatGPT cho ra kết quả tối ưu, bạn cần xây dựng prompt (câu lệnh) đúng cách. Đặt câu lệnh tốt sẽ giúp bạn có được kết quả đầu ra chất lượng và phù hợp với mục tiêu cụ thể của bài viết. Dưới đây là những nguyên tắc bạn cần nắm:

Đặt câu lệnh rõ ràng và chi tiết

Một trong những yếu tố đầu tiên giúp bạn có kết quả tốt từ ChatGPT chính là tính cụ thể trong prompt. Khi bạn yêu cầu một công cụ AI viết bài cho mình, cần phải đưa ra các hướng dẫn chi tiết về nội dung như thông tin về loại content bạn cần (blog, bài PR, mô tả sản phẩm,…), mục đích (giới thiệu, giáo dục, thuyết phục,…) và đối tượng người đọc cụ thể của bài viết,… Câu lệnh càng rõ ràng thì kết quả trả về sẽ càng sát với yêu cầu của bạn.

Cung cấp bối cảnh, thông tin đầu vào cụ thể

Để ChatGPT tạo ra nội dung phù hợp, chính xác và có giá trị thực tiễn, bạn cần cung cấp thêm những thông tin cần thiết về sản phẩm, dịch vụ, hoặc chủ đề đang viết. Ví dụ, nếu bạn yêu cầu viết về một sản phẩm, việc cung cấp thông tin về USP, tính năng nổi bật và đối tượng khách hàng mục tiêu cụ thể sẽ giúp ChatGPT hiểu rõ hơn và viết đúng yêu cầu.

Yêu cầu văn phong và mức độ chi tiết

Để tránh việc content trở nên mơ hồ hoặc không phù hợp với văn phong của bạn, hãy yêu cầu ChatGPT sử dụng tone mood và phong cách viết cụ thể. Ví dụ: “Viết bài với tone thân thiện và gần gũi”, “Phong cách viết chuyên nghiệp nhưng dễ hiểu”,… Ngoài ra, hãy chỉ rõ mức độ chi tiết bạn mong muốn, từ tổng quan đến chuyên sâu.

Đưa ra yêu cầu về cấu trúc bài viết

Để nội dung có tính logic và mạch lạc, bạn nên yêu cầu ChatGPT sắp xếp bài viết theo một cấu trúc cụ thể, chẳng hạn như mở bài, thân bài, kết luận, hoặc chia thành các mục nhỏ, mỗi mục tập trung vào một khía cạnh của vấn đề. Điều này cũng sẽ giúp AI hiểu được cách thức tổ chức nội dung, từ đó nâng cao tính dễ tiếp cận và mạch lạc của bài viết.

Cung cấp ví dụ và thông tin bổ sung

Nếu bạn muốn bài viết mang tính chất cụ thể hơn, hãy cung cấp thêm ví dụ hoặc thông tin bổ sung để ChatGPT có thể hiểu rõ hơn yêu cầu của bạn. Cung cấp các ví dụ thực tế, số liệu thống kê, hoặc tình huống cụ thể sẽ giúp nội dung trở nên sinh động và gia tăng giá trị.

Sử dụng câu hỏi mở để dẫn dắt nội dung

Nếu bạn chưa rõ ràng về yêu cầu của mình, hãy thử đặt câu hỏi để dẫn dắt nội dung một cách cụ thể hơn. Thay vì nói “Viết bài về chăm sóc cây cảnh”, bạn có thể yêu cầu “Cách chăm sóc cây cảnh trong nhà khi không có nhiều ánh sáng?” hoặc “Những loại cây cảnh nào dễ chăm sóc và phù hợp với không gian nhỏ?”. Những câu hỏi này sẽ giúp ChatGPT hiểu chính xác nhu cầu của bạn và tạo ra nội dung chi tiết, hữu ích và tập trung vào vấn đề bạn muốn giải quyết.

Thử nghiệm và chỉnh sửa prompt để tối ưu kết quả

ChatGPT có khả năng tạo ra nhiều phiên bản nội dung từ cùng một câu lệnh, tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cho ra kết quả hoàn hảo ngay từ đầu. Bạn hãy tiếp tục thử nghiệm với nhiều cách đặt câu lệnh khác nhau, thay đổi cấu trúc câu, bổ sung thêm yêu cầu chi tiết để tìm ra phiên bản chính xác và phù hợp nhất với mục đích của bạn. Việc chỉnh sửa và tinh chỉnh các câu lệnh sẽ giúp bạn khai thác tối đa tiềm năng của ChatGPT.

Bằng cách áp dụng những nguyên tắc này, bạn sẽ dễ dàng tối ưu hóa quá trình sử dụng ChatGPT để viết content, giúp tiết kiệm thời gian và mang lại những bài viết chất lượng, chuyên nghiệp, đồng thời đảm bảo mang đến giá trị cao cho người đọc.

Một số mẫu câu lệnh viết content bằng ChatGPT

Mẫu prompt ChatGPT viết content
Mẫu câu lệnh ChatGPT viết content

Một số mẫu câu lệnh cơ bản để viết content bằng ChatGPT, bạn có thể dựa vào và tùy chỉnh, bổ sung thêm thông tin cần thiết để cho ra kết quả đáp ứng đúng nhu cầu của mình:

Câu lệnh viết content giới thiệu sản phẩm

Mẫu câu lệnh: “Hãy viết một đoạn content giới thiệu sản phẩm [tên sản phẩm] với ngôn từ hấp dẫn, làm nổi bật USP của sản phẩm. Độ dài khoảng [số từ]. Đối tượng khách hàng là [đối tượng cụ thể]”.

Ví dụ cụ thể: “Hãy viết đoạn content giới thiệu sản phẩm serum dưỡng da X, làm nổi bật ưu điểm về khả năng cấp ẩm và làm sáng da. Độ dài 150 từ, ngôn từ hướng đến phụ nữ từ 25-35 tuổi, yêu thích làm đẹp và sản phẩm tự nhiên”.

Câu lệnh viết blog tối ưu SEO

Mẫu câu lệnh: “Viết một bài blog tối ưu SEO với từ khóa chính là [từ khóa], độ dài khoảng 1000 từ. Nội dung cần được chia thành các phần rõ ràng. Đảm bảo thông tin chính xác, hữu ích và không trùng lặp với các bài đã có”.

Ví dụ cụ thể: “Viết một bài blog tối ưu SEO với từ khóa chính là ‘Cách giảm cân an toàn và hiệu quả’. Độ dài 1200 từ. Bài viết cần bao gồm các phần như: lý do nên giảm cân đúng cách, các phương pháp giảm cân an toàn, kế hoạch ăn uống khoa học, và những điều cần tránh khi giảm cân”.

Câu lệnh viết nội dung mạng xã hội

Mẫu câu lệnh: “Hãy viết một bài đăng trên mạng xã hội để quảng bá [sản phẩm/dịch vụ/sự kiện]. Sử dụng giọng văn gần gũi, tạo cảm giác kết nối và kêu gọi hành động rõ ràng. Độ dài không quá 100 từ”.

Ví dụ cụ thể: “Viết bài đăng quảng bá chương trình giảm giá 50% dịp cuối năm của cửa hàng thời trang Y. Độ dài không quá 300 từ, giọng văn sôi động, nhấn mạnh lợi ích khách hàng nhận được”.

Câu lệnh viết kịch bản video ngắn

Mẫu câu lệnh: “Viết kịch bản video ngắn giới thiệu [sản phẩm/dịch vụ]. Video dài 30 giây, nội dung chia làm 3 phần: vấn đề, giải pháp, và kêu gọi hành động. Giọng điệu tích cực và truyền cảm hứng”.

Ví dụ cụ thể: “Viết kịch bản video 30 giây giới thiệu ứng dụng học tiếng Anh ABC. Bao gồm việc mô tả khó khăn khi tự học tiếng Anh, cách ứng dụng giải quyết vấn đề, và kêu gọi tải app ngay”.

Câu lệnh viết nội dung dạng câu chuyện (storytelling)

Mẫu câu lệnh: “Viết một câu chuyện ngắn về [chủ đề] để thu hút người đọc. Câu chuyện cần có cấu trúc mở đầu hấp dẫn, cao trào ở giữa, và kết thúc có ý nghĩa. Độ dài khoảng 200-300 từ”.

Ví dụ cụ thể: “Viết một câu chuyện ngắn về hành trình của một người trẻ vượt qua khó khăn để bắt đầu kinh doanh, với thông điệp khích lệ: ‘Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu”.

Câu lệnh viết nội dung cho landing page

Mẫu câu lệnh: “Viết nội dung cho landing page quảng bá [sản phẩm/dịch vụ]. Nội dung cần có tiêu đề thu hút, đoạn mô tả sản phẩm, phần lợi ích rõ ràng, và kêu gọi hành động mạnh mẽ. Độ dài khoảng 300-500 từ”.

Ví dụ cụ thể: “Viết nội dung cho landing page giới thiệu dịch vụ thiết kế website chuyên nghiệp. Tập trung vào lợi ích như tối ưu SEO, giao diện thân thiện, và chi phí hợp lý”.

Câu lệnh viết nội dung email marketing

Mẫu câu lệnh: “Viết nội dung email marketing giới thiệu [sản phẩm/dịch vụ] tới khách hàng. Email cần có tiêu đề hấp dẫn, phần nội dung ngắn gọn nêu bật lợi ích, và lời kêu gọi hành động rõ ràng”.

Ví dụ cụ thể: “Viết nội dung email marketing giới thiệu khóa học “Cách viết content chuyên nghiệp” với ưu đãi giảm 30% trong 7 ngày. Email cần có lời chào, nhấn mạnh giá trị khóa học, và khuyến khích đăng ký ngay”.

Những câu hỏi thường gặp khi viết content bằng ChatGPT

Khi ứng dụng ChatGPT vào việc viết content, nhiều người vẫn còn băn khoăn về khả năng và cách thức sử dụng công cụ này hiệu quả. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp giúp bạn giải đáp những thắc mắc và tận dụng tối đa ChatGPT trong công việc sản xuất nội dung:

Thông tin mà ChatGPT có đảm bảo chính xác không?

Mặc dù ChatGPT có khả năng tạo ra nội dung dựa trên một lượng lớn dữ liệu đã được huấn luyện, nhưng nó không thể đảm bảo tính chính xác 100%. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các chủ đề yêu cầu kiến thức chuyên môn hoặc thông tin cập nhật, chẳng hạn như các lĩnh vực y tế, tài chính, và khoa học. ChatGPT sử dụng dữ liệu huấn luyện từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng không thể tự động cập nhật thông tin mới sau thời điểm huấn luyện.

Để đảm bảo tính chính xác của nội dung:

  • Kiểm tra lại thông tin: Người dùng nên đối chiếu với các nguồn đáng tin cậy, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên sâu.
  • Tham khảo chuyên gia: Đối với những lĩnh vực yêu cầu sự chính xác cao, nên tham khảo ý kiến chuyên gia để đảm bảo thông tin chính xác và đầy đủ.
  • Cập nhật nội dung: Đảm bảo rằng các sự kiện, nghiên cứu hoặc xu hướng hiện tại được tích hợp và xác nhận trước khi xuất bản.

ChatGPT có thể thay thế hoàn toàn người viết content không?

Chat GPT có thể hỗ trợ tạo ra nội dung nhanh chóng và hiệu quả, nhưng không thể thay thế hoàn toàn người viết content. Mặc dù AI có khả năng tạo ra văn bản mượt mà và logic, nhưng việc truyền tải cảm xúc, sự sáng tạo và cái nhìn sâu sắc về đối tượng mục tiêu vẫn cần sự can thiệp của con người. Do đó, ChatGPT có thể là công cụ hỗ trợ đắc lực, nhưng không thể thay thế hoàn toàn khả năng viết của con người.

ChatGPT có thể tạo ra nội dung chất lượng cho mọi lĩnh vực không?

ChatGPT có thể tạo ra nội dung cho nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng chất lượng nội dung sẽ phụ thuộc vào độ chính xác của yêu cầu và thông tin đầu vào mà bạn cung cấp. Đối với các lĩnh vực chuyên môn sâu, ChatGPT có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra nội dung có độ tin cậy và chuyên môn cao. Do đó, khi sử dụng ChatGPT cho các chủ đề yêu cầu kiến thức chuyên sâu, bạn cần đảm bảo kiểm tra lại nội dung và bổ sung các thông tin xác thực.

Làm sao để Chat GPT giúp tôi viết content theo phong cách riêng của mình?

Để Chat GPT viết nội dung phù hợp với phong cách riêng của bạn, hãy cung cấp một số ví dụ về cách bạn viết hoặc hướng dẫn chi tiết về tone giọng, độ dài câu, và cách thể hiện ý tưởng. Nếu bạn thường viết ngắn gọn, súc tích, hoặc sử dụng ngôn ngữ hài hước, hãy yêu cầu AI theo phong cách đó. Việc cung cấp càng nhiều chi tiết về phong cách của bạn sẽ giúp AI tái hiện chính xác hơn.

Hy vọng, với cách viết content bằng ChatGPT được hướng dẫn trong bài viết này sẽ giúp bạn nâng cao hiệu suất và hiệu quả công việc. Để đạt được kết quả tốt nhất, bạn đừng quên kiểm duyệt, chỉnh sửa và tối ưu nội dung phù hợp với mục tiêu cũng như đối tượng độc giả. Đồng thời, hãy kết hợp sức mạnh của công nghệ và khả năng tư duy sáng tạo của chính bạn để tạo ra những nội dung không chỉ hấp dẫn mà còn có giá trị độc đáo riêng.

Các nội dung hữu ích khác:

» Khám phá 10 công cụ viết content bằng AI miễn phí

» Top 12 công cụ hỗ trợ viết bài chuẩn SEO giúp website thăng hạng

» Cách viết outline content chuẩn SEO kèm ví dụ cụ thể

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi câu hỏi