Để “góp gió thành bão” cho chiến dịch content marketing thì không thể thiếu content pillar và content angle. Đây là 2 yếu tố có “sức mạnh” giúp dẫn dắt toàn nội dung đi đúng định hướng, đạt được mục tiêu đề ra và góp phần nâng tầm thương hiệu. Việc xây dựng các content pillar và content angle không chỉ giúp bạn tránh được tình trạng bí ý tưởng trong quá trình triển khai nội dung mà còn đảm bảo cho hệ thống nội dung luôn hấp dẫn và đạt được kết quả cao. Bài viết này sẽ cung cấp các khái niệm chuẩn xác, đơn giản, dễ hiểu kèm các ví dụ cụ thể để bạn dễ dàng hình dung hơn. Từ đó, bạn sẽ biết cách áp dụng content pillar và content angle vào kế hoạch content marketing của mình một cách hiệu quả.
1. Phân biệt content pillar và content angle
Các content pillar và content angle như một “khung xương’’ vững chắc đều hướng tới mục tiêu chung của chiến dịch content marketing. Vậy content pillar và content angle là gì?
1.1. Content pillar là gì?
Content pillar là nhóm chủ đề trụ cột, thể hiện thông điệp và định hướng mà doanh nghiệp muốn xây dựng và truyền tải. Đây là những chủ đề được phát triển từ big idea, mang tính toàn diện nhưng không đi sâu vào chi tiết, thường phản ánh giá trị cốt lõi, mục tiêu kinh doanh và đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách hàng.
Việc sử dụng các content pillar sẽ tạo ra hệ thống nội dung chặt chẽ, nhất quán và mạch lạc trong thông điệp của thương hiệu. Thông thường, từ content direction (định hướng nội dung) chúng ta sẽ xác định các content pillar. Nếu ví content direction là nền nhà thì content pillar chính là những trụ cột chính trên nền nhà ấy. Các content pillar sẽ tạo nên một cấu trúc chắc chắn để chúng ta xây dựng và triển khai các chủ đề nhỏ chi tiết hơn.
Ví dụ: Đối với phòng khám nha khoa, các content pillar có thể là:
- Kiến thức chăm sóc răng miệng
- Quy trình và lợi ích của các dịch vụ nha khoa
- Câu chuyện khách hàng,…
≫ Có thể bạn quan tâm: [Download] Mẫu content direction, định hướng nội dung hiệu quả cho doanh nghiệp
1.2. Content angle là gì?
Content angle là các góc nhìn sâu hơn và chi tiết hơn, được phát triển từ content pillar. Đây là cách tiếp cận khách hàng thông qua những nội dung, góc nhìn, tình huống và quan điểm độc đáo của thương hiệu.
Mục tiêu của việc khai thác các content angle là để xác định nội dung trước khi triển khai, đồng thời định hướng cách trình bày nội dung cũng như cách thức để tạo ra nội dung. Thế nên, content angle càng có nhiều góc nhìn độc đáo, sáng tạo và khai thác càng sâu thì hệ thống nội dung của bạn càng trở nên nổi bật và thu hút sự chú ý của đối tượng mục tiêu. Từ đó, góp phần mang lại hiệu quả tối ưu cho chiến dịch content marketing.
Ví dụ: Đối với Trung tâm Anh ngữ, nếu content pillar là: Các mẹo học tiếng Anh hàng ngày, thì các content angle có thể là:
- 5 kênh YouTube giúp bạn luyện kỹ năng nghe tiếng Anh
- Bài tập luyện nói tiếng Anh hàng ngày cho người mới bắt đầu
- 5 bộ phim kinh điển giúp bạn nâng cao kỹ năng nghe tiếng Anh,…
≫ Xem thêm: Content marketing là gì? Các loại hình content marketing phổ biến hiện nay
2. Cách tạo content pillar và content angle hiệu quả
Để có thể xác định được các content pillar và content angle chất lượng, mang đến giá trị cao cho thương hiệu, bạn có thể dựa vào các yếu tố sau đây:
- Xác định mục tiêu của doanh nghiệp: Bạn muốn tăng nhận diện thương hiệu, tăng doanh số bán hàng hay mục tiêu nào khác? Mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn xác định được các content pillar và angle phù hợp cần triển khai.
- Nghiên cứu khách hàng mục hiểu: Việc thấu hiểu khách hàng giống như một ‘nam châm’ thu hút mạnh mẽ, tạo ra sự gắn kết giữa doanh nghiệp và khách hàng. Chúng ta cần đặt mình vào vị trí của khách hàng để hiểu được những vấn đề mà họ quan tâm và tìm kiếm. Chỉ khi hiểu rõ khách hàng mục tiêu, bạn mới có thể xác định các chủ đề đáp ứng đúng nhu cầu của họ và mang lại hiệu quả cao.
- Tập trung vào lợi ích của khách hàng, giải pháp và giá trị: Thay vì chỉ giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ, bạn cần mang lại giá trị thực sự và cung cấp thông tin hữu ích hoặc giải pháp cho vấn đề mà khách hàng quan tâm.
- Phân tích nội dung của đối thủ cạnh tranh: Tìm các góc nhìn mà đối thủ chưa có hoặc ít khai thác. Từ đó, biến những yếu tố này thành cơ hội giúp doanh nghiệp bạn nổi bật và thu hút đối tượng mục tiêu. Hãy tạo ra những câu chuyện, những nghiên cứu mới, hoặc những góc nhìn độc đáo và hiệu quả hơn.
- Liên kết với giá trị cốt lõi của thương hiệu: Đảm bảo rằng các content pillar và content angle đều phản ánh rõ ràng giá trị và sứ mệnh của thương hiệu của bạn.
Content pillar và content angle không chỉ là việc tìm kiếm các chủ đề liên quan đến doanh nghiệp, mà còn là cách thể hiện quan điểm độc đáo để tạo ra thông điệp mạnh mẽ trên thị trường. Điều này, đòi hỏi sự nghiên cứu, phân tích và tìm ra các góc nhìn, ý tưởng đa dạng về sản phẩm/dịch vụ,… Bằng cách xây dựng các content pillar và content angle hấp dẫn, sáng tạo, doanh nghiệp của bạn sẽ thu hút và tăng cường sự tương tác với khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả hơn.
» Xem thêm: Quy trình xây dựng kế hoạch Content Marketing thu hút khách hàng
3. Các ví dụ content pillar và content angle cho 5 ngành nghề phổ biến trên Social Media
Dưới đây là các mẫu ví dụ về content pillar và content angle cho một số ngành nghề phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
3.1. Ngành giáo dục
Giới thiệu khóa học:
- Điểm nổi bật của khóa học
- Lợi ích của khóa học mà học viên sẽ nhận được
- Câu chuyện thành công của học viên,…
Mẹo học tập hiệu quả:
- Kỹ năng tự học hiệu quả
- Kỹ năng mềm quan trọng để thành công trong nghề
- Kỹ năng ghi nhớ và ôn tập hiệu quả
- Cách giảm căng thẳng và duy trì động lực học tập,…
Chia sẻ tài nguyên và công cụ:
- Chia sẻ các tài nguyên học tập miễn phí
- Giới thiệu các công cụ và phần mềm,…
3.2. Ngành y tế
Sức khỏe và phòng bệnh:
- 10 thói quen hàng ngày giúp bạn phòng ngừa bệnh tật hiệu quả
- Hướng dẫn cách kiểm tra sức khỏe định kỳ tại nhà
- Những dấu hiệu cảnh báo bạn cần đi khám bác sĩ ngay,…
Điều trị và chăm sóc bệnh nhân:
- Những phương pháp điều trị mới nhất cho bệnh tiểu đường
- Cách chăm sóc sau phẫu thuật để phục hồi nhanh chóng
- Các lựa chọn điều trị cho bệnh nhân ung thư và những điểm cần lưu ý,…
Dinh dưỡng và lối sống lành mạnh:
- Chế độ ăn uống cân bằng cho người mắc bệnh tim mạch
- Lợi ích của việc tập thể dục đều đặn đối với sức khỏe tổng thể
- Cách xây dựng thực đơn hàng tuần để duy trì sức khỏe tốt,…
3.3. Ngành F&B
Dinh dưỡng và sức khỏe:
- Món ăn lành mạnh cho người ăn kiêng
- Cách cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày
- Lợi ích của việc ăn chay và các món ăn chay ngon
- Tác dụng phụ của các loại thực phẩm chế biến sẵn,…
Công thức nấu ăn:
- Món ăn nhanh và dễ làm cho ngày bận rộn
- Hướng dẫn nấu các món ngon bằng nồi chiên không dầu
- Công thức món ăn phù hợp cho trẻ em,…
Câu chuyện thương hiệu:
- Hành trình xây dựng và phát triển của nhà hàng
- Những câu chuyện thú vị từ chủ nhà hàng hoặc đầu bếp
- Các hoạt động cộng đồng,…
3.4. Ngành thời trang
Hướng dẫn phối đồ:
- 5 cách phối đồ với áo sơ mi
- Những mẹo phối đồ giúp bạn tỏa sáng trong các sự kiện đặc biệt
- 10 công dụng tuyệt vời của khăn choàng,..
Mẹo và thủ thuật thời trang:
- Giải quyết nhanh các sự cố thời trang thường gặp
- Hướng dẫn sử dụng khăn choàng để tạo nên 5 kiểu trang phục khác nhau
- Cách tẩy vết bẩn từ cà phê trên áo trắng mà không làm hỏng vải,…
Xu hướng thời trang:
- Các mẫu áo thun nữ đang thịnh hành cho mùa hè năm nay
- Xu hướng thời trang công sở tối giản, thanh lịch cho năm 2024
- Các kiểu dáng cổ điển đang quay trở lại: Cách phối hợp trang phục retro với các phụ kiện hiện đại,…
3.5. Ngành du lịch
Điểm đến hot:
- Top 10 địa điểm du lịch không thể bỏ qua trong năm nay
- Những điểm đến ít người biết nhưng tuyệt đẹp,…
Kinh nghiệm du lịch:
- Những thứ cần chuẩn bị trước khi đi du lịch nước ngoài
- Mẹo tiết kiệm chi phí khi du lịch
- Lập kế hoạch chi tiết cho chuyến đi hoàn hảo,…
Văn hóa và truyền thống:
- Những phong tục truyền thống thú vị ở địa phương
- Ẩm thực địa phương: Những món ăn không thể bỏ qua
- Khám phá lễ hội văn hóa đặc sắc ở các quốc gia khác nhau,…
» Xem thêm: [Download] Mẫu kế hoạch Content Marketing bài bản dành cho doanh nghiệp SMEs
4. Những điều cần lưu ý khi xây dựng content pillar và content angle
Khi xây dựng và triển khai content pillar và content angle, bạn cần lưu ý những yếu tố quan trọng dưới đây:
- Các content pillar và content angle cần có mục tiêu rõ ràng và phù hợp với mục tiêu tổng thể của chiến dịch.
- Chỉ nên tập trung vào những chủ đề cần thiết và cốt lõi mà bạn muốn phát triển và truyền tải, tránh lạm dụng quá nhiều pillar. Các chủ đề này nên là những chủ đề mà khách hàng thực sự quan tâm và phản ánh rõ ràng lĩnh vực hoạt động của bạn.
- Các content pillar và angle nên được liên kết với nhau một cách hợp lý, tạo thành một hệ thống nội dung toàn diện và logic.
- Nghiên cứu và đánh giá xem các content pillar và content angle mà bạn lựa chọn có đủ khả năng cạnh tranh trong thị trường hiện tại không.
- Nếu có thể, hãy khai thác những angle mang tính ứng dụng cao và giúp khách hàng có thể áp dụng được vào thực tế.
- Liên tục theo dõi, đánh giá hiệu quả và xem xét phản hồi từ khách hàng để hiểu họ mong muốn và quan tâm đến điều gì. Từ đó, linh hoạt điều chỉnh các chủ đề để đạt được kết quả cao hơn.
- Luôn cập nhật các xu hướng mới trong ngành để đảm bảo nội dung của bạn luôn mới mẻ và phù hợp.
» Tham khảo chương trình đào tạo digital marketing trên dự án thực tế TẠI ĐÂY.
Mong rằng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ về 2 khái niệm content pillar và content angle là gì. Đồng thời, biết cách áp dụng chúng để xây dựng một kế hoạch content marketing không chỉ hiệu quả mà còn mang lại giá trị lâu dài cho doanh nghiệp mình. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Chuyên viên Content Marketing