Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người cho rằng khuyến mại và khuyến mãi mang ý nghĩa giống nhau. Nhưng thực chất đây là hai hình thức khác nhau và đối tượng được nhắm đến cũng khác nhau. Vậy khuyến mãi là gì? Khuyến mại là gì? Làm thế nào để phân biệt khuyến mãi và khuyến mại? Cùng Dương Gia Phát tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Khuyến mại là gì?
Theo Luật Thương mại 2005 và Nghị định 81/2018/NĐ-CP, khuyến mại được hiểu là các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm thúc đẩy việc mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ thông qua việc cung cấp các lợi ích và ưu đãi cho khách hàng. Ví dụ như giảm giá, tặng quà, tổ chức chương trình rút thăm trúng thưởng, hoặc các hình thức khuyến mại khác theo quy định của pháp luật.
Khuyến mãi là gì?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về định nghĩa của hoạt động khuyến mãi. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng khuyến mãi là những hoạt động nhằm tác động đến người bán hàng. Bao gồm: khách hàng trung gian, đại lý bán hàng, nhà phân phối,… với mục đích kích thích họ bán hàng hóa ra ngoài, từ đó nâng cao doanh số bán hàng.
Lưu ý:
Khi thực hiện chương trình khuyến mại, bạn cần phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khuyến mại. Nếu sử dụng thuật ngữ “khuyến mãi” trong hồ sơ, đơn đăng ký của bạn sẽ không được phê duyệt.
Phân biệt khuyến mãi và khuyến mại
Hai khái niệm khuyến mại và khuyến mãi thường xuyên bị nhầm lẫn với nhau. Vậy làm thế nào để phân biệt khuyến mại và khuyến mãi? Mời bạn xem bảng dưới đây:
Tiêu chí | Khuyến mại | Khuyến mãi |
Căn cứ pháp lý | Luật Thương mại 2005 và Nghị định 81/2018/NĐ-CP | Không có quy định |
Đối tượng | Tác động đến người mua | Tác động đến người bán: các đại lý, nhà phân phối, khách hàng trung gian,… |
Mục đích | Khuyến khích mua và sử dụng hàng hóa ⇒ Tăng sức mua hàng | Khuyến khích người bán bán hàng hóa ra ngoài ⇒Tăng sức bán hàng |
Bản chất | – Kích thích nhu cầu mua sắm – Tăng cường độ nhận diện sản phẩm và thương hiệu – Giảm lượng hàng tồn kho – Thúc đẩy doanh số trong ngắn hạn – Tạo cơ hội cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm mới – Xây dựng lòng trung thành của khách hàng | – Tạo động lực bán hàng – Tăng cường phân phối sản phẩm, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường nhanh chóng – Xây dựng mối quan hệ bền vững giữa các đối tác – Giảm thiểu rủi ro hàng tồn kho |
Hình thức | – Giảm giá – Tặng kèm sản phẩm – Rút thăm trúng thưởng – Dùng thử sản phẩm – Trải nghiệm dịch vụ miễn phí – Đổi hàng cũ lấy hàng mới – Phiếu tích điểm mua hàng để tặng thưởng | – Chiết khấu thương mại – Hoa hồng – Thưởng doanh số – Hỗ trợ marketing (cung cấp tài liệu quảng cáo, hỗ trợ tài chính cho các chiến dịch quảng cáo) |
>>> Có thể bạn quan tâm: Các thuật ngữ cơ bản trong marketing thường hay bị nhầm lẫn
Các loại hàng hóa, dịch vụ không được khuyến mại
Nghị định 81/2018/NĐ-CP có quy định cụ thể về các loại hàng hóa/dịch vụ không được khuyến mại như sau:
- Thuốc lá
- Xổ số
- Rượu
- Sữa thay thế sữa mẹ
- Thuốc chữa bệnh cho người (trừ các trường hợp là thương nhân kinh doanh thuốc)
- Dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập
- Dịch vụ giáo dục của các cơ sở công lập và giáo dục nghề nghiệp công lập
- Các hàng hóa và dịch vụ bị cấm lưu hành tại Việt Nam
- Các hàng hóa và dịch vụ khác bị cấm khuyến mại theo quy định pháp luật.
Hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại
Khoản 1 Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP có quy định, giá trị vật chất khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa hoặc dịch vụ không được vượt quá 50% giá trị của nó trước khi khuyến mại. Ngoại trừ:
- Tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các hoạt động khác nhằm mục đích khuyến mại cho khách hàng.
- Phát hàng mẫu hoặc cung cấp dịch vụ mẫu miễn phí để khách hàng dùng thử.
- Tặng hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ miễn phí mà không yêu cầu mua bán.
- Bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ kèm theo phiếu dự thi để khách hàng có cơ hội nhận thưởng theo quy định và giải thưởng đã công bố.
- Bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ kèm theo chương trình may rủi, trong đó khách hàng có cơ hội trúng thưởng dựa trên sự may mắn và điều kiện đã công bố.
- Tổ chức chương trình khách hàng thân thiết, tặng thưởng dựa trên số lượng hoặc giá trị mua hàng, thể hiện qua thẻ khách hàng hoặc phiếu ghi nhận mua hàng.
Các ví dụ về khuyến mại và khuyến mãi
Ví dụ về khuyến mại
Chương trình giảm giá sản phẩm: Một cửa hàng điện tử tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá 20% cho tất cả các sản phẩm điện thoại di động trong thời gian từ 1/6 đến 30/6. Mục đích của chương trình là thu hút khách hàng đến mua sắm, tăng doanh số bán hàng nhanh chóng trong khoảng thời gian ngắn.
Tặng kèm quà khi mua sản phẩm: Một thương hiệu mỹ phẩm tung ra chiến dịch “Mua 1 tặng 1” cho dòng sản phẩm dưỡng da mới. Khi khách hàng mua một sản phẩm kem dưỡng, họ sẽ được tặng kèm một sản phẩm sữa rửa mặt nhỏ. Hình thức này giúp doanh nghiệp đẩy nhanh việc tiêu thụ sản phẩm mới, đồng thời khuyến khích khách hàng trải nghiệm thêm sản phẩm khác của thương hiệu, từ đó có thể tăng doanh thu trong tương lai.
Chương trình tích điểm nhận quà: Một chuỗi siêu thị triển khai chương trình “Mua sắm tích điểm đổi quà”. Mỗi lần khách hàng mua hàng với giá trị từ 200.000 đồng trở lên, họ sẽ được tích điểm vào thẻ thành viên. Khi tích đủ điểm, khách hàng có thể đổi điểm để nhận quà tặng hoặc voucher mua sắm. Chương trình này khuyến khích khách hàng quay lại mua sắm nhiều lần, tăng sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu.
Ví dụ về khuyến mãi
Chiết khấu cho đại lý khi nhập hàng số lượng lớn: Một nhà sản xuất đồ uống áp dụng chính sách khuyến mãi “Chiết khấu 15% cho đơn hàng từ 300 thùng trở lên”. Chính sách này nhằm khuyến khích các đại lý nhập hàng với số lượng lớn, từ đó tăng lượng hàng hóa được phân phối ra thị trường và tạo động lực để đẩy mạnh việc bán hàng.
Thưởng doanh số cho nhà phân phối: Một công ty sản xuất thực phẩm tổ chức chương trình “Thưởng nóng cho nhà phân phối”. Theo đó, nhà phân phối nào đạt doanh số bán hàng cao nhất trong tháng sẽ được thưởng một chuyến du lịch Hội An cho 2 người. Chương trình khuyến mãi này nhằm khuyến khích các nhà phân phối nỗ lực bán hàng, cạnh tranh lành mạnh, và đẩy nhanh tốc độ lưu thông sản phẩm ra thị trường.
Hỗ trợ quảng cáo cho các đại lý: Một hãng xe hơi triển khai chương trình “Hỗ trợ quảng cáo cho đại lý”. Theo đó, hãng sẽ tài trợ 50% chi phí quảng cáo, đồng thời cung cấp banner và poster cho các đại lý. Để họ triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu xe hơi của hãng tại khu vực địa phương. Mục đích của chương trình khuyến mãi này là hỗ trợ đại lý tăng cường quảng bá, từ đó thu hút nhiều khách hàng hơn và đẩy mạnh doanh số bán xe.
Kết luận
Việc phân biệt khuyến mãi và khuyến mại là cần thiết để hiểu rõ bản chất và mục tiêu của từng hình thức trong hoạt động kinh doanh. Đồng thời giúp các marketer soạn thảo các văn bản/tài liệu chính xác về khuyến mãi và khuyến mại. Dương Gia Phát tin rằng, bằng cách nắm rõ sự khác biệt này doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chiến lược tiếp thị. Đảm bảo mỗi chương trình đều đạt được hiệu quả cao nhất, phục vụ đúng đối tượng mục tiêu và mang lại giá trị thực sự cho cả người tiêu dùng lẫn các đối tác.
Chị Nguyễn Thị Nghị tốt nghiệp chuyên ngành Thương Mại Điện Tử, chị có nhiều kinh nghiệm thực chiến trong ngành Digital Marketing