Content audit​ là gì? Hướng dẫn cách audit content chuẩn cho website

Nội dung chất lượng là yếu tố quan trọng và sống còn của mọi website. Sau một thời gian đăng tải lên web, các bài viết cần được rà soát để đánh giá độ hiệu quả, từ đó có phương án tối ưu nhằm cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng và tỷ lệ chuyển đổi. Quá trình này được gọi là content audit cho website. Trong bài viết này, hãy cùng Dương Gia Phát tìm hiểu sâu hơn về khái niệm, lợi ích và các bước audit content chuẩn nhất.

Content audit​ là gì?

Audit content là gì
Content audit​ là gì

Content audit (audit content) là quá trình kiểm tra và đánh giá toàn diện các nội dung hiện có trên website. Mục tiêu của việc này là để phân tích chất lượng và độ hiệu quả của từng nội dung, qua đó xác định những phần chưa tốt để có phương án tối ưu hóa, nhằm đảm bảo website luôn mang lại thông tin có giá trị, hấp dẫn và giúp cải thiện thứ hạng tìm kiếm trên Google.

Vậy thì cụ thể quá trình content audit sẽ mang lại những lợi ích như thế nào cho website? Cùng tìm hiểu nào.

Lợi ích khi audit content cho website?

audit content cho website
Lợi ích khi audit content cho website?

Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ digital marketing cho doanh nghiệp, Dương Gia Phát nhận thấy việc audit content sẽ mang lại những lợi ích cho website như:

Nâng cao chất lượng nội dung

Việc audit sẽ giúp phát hiện ra những bài viết có nội dung mỏng/trùng lặp, chứa thông tin không chính xác, không mang lại giá trị hoặc không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Qua đó giúp bạn có phương án tối ưu hoặc loại bỏ những nội dung này, nhằm đảm bảo website luôn cung cấp thông tin chất lượng cho người dùng.

Tối ưu hóa cho SEO

Thông qua quá trình content audit, chúng ta có thể cải thiện thứ hạng SEO bằng cách bổ sung các từ khóa phụ vào nội dung, sửa lại tiêu đề hấp dẫn hơn, đặt lại tên hình ảnh chuẩn SEO, tối ưu các phần meta description, url, internal/external link, call to action… Điều này sẽ giúp cải thiện thứ hạng trang web trên các công cụ tìm kiếm và thu hút lượng truy cập tự nhiên cao hơn.

Gia tăng tỷ lệ chuyển đổi

Nội dung website được audit sẽ giúp cải thiện lượt hiển thị, lượt nhấp, time on site (TOS), đồng thời giảm tỷ lệ thoát trang và hướng khách truy cập đến các hoạt động cụ thể như để lại thông tin, đăng ký, mua hàng,… giúp gia tăng tương tác, tỷ lệ chuyển đổi và nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Phát hiện và xử lý các vấn đề kỹ thuật

Quá trình audit content cũng giúp phát hiện các lỗi kỹ thuật như liên kết hỏng, thời gian tải trang chậm hay giao diện không thân thiện với người dùng,… Từ đó giúp bạn đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời cho website, giúp cải thiện chất lượng nội dung và thứ hạng của website.

Dấu hiệu website đang cần audit content

Khi nào chúng ta nên thực hiện content audit cho website? Dương Gia Phát sẽ bật mí cho bạn dưới đây:

  • Website bị giảm lưu lượng truy cập: Nếu website bị giảm sút đột ngột các thông số như lượt hiển thị, lượt nhấp, tỷ lệ nhấp (CTR) trung bình, rớt thứ hạng từ khoá,… đây có thể là dấu hiệu cho thấy website cần được rà soát và audit content.
  • Nội dung kém chất lượng: Website có nhiều bài viết kém chất lượng, nội dung bị mỏng/quá ít từ, trùng lặp, chứa thông tin không chính xác, đang rớt thứ hạng, mất index, không chuẩn SEO, không có CTA, thiếu internal link/external link, sai chính tả/ngữ pháp, bố cục khó đọc,… nên thực hiện audit ngay.
  • Website có nhiều bài viết cũ: Khi website có một lượng lớn bài viết cũ, trong số này thường có những bài xếp thứ hạng thấp, chứa thông tin lỗi thời, không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Audit content sẽ giúp tối ưu hoặc loại bỏ những nội dung này, giúp website có thứ hạng tốt hơn.

Ngoài ra, bạn có thể lên kế hoạch content audit định kỳ cho website khoảng 3-6 tháng/lần, nhằm đảm bảo nội dung được tối ưu chất lượng, đạt thứ hạng tìm kiếm cao trên Google.

Hướng dẫn các bước audit content cho website

Sau đây, Dương Gia Phát sẽ hướng dẫn cho bạn các bước content audit chuẩn nhất.

Bước 1: Đề ra mục tiêu cho content audit

mục tiêu cho content audit
Đề ra mục tiêu cho content audit

Trước khi tiến hành content audit, bạn cần xác định rõ mục tiêu cho quá trình này. Hãy đặt ra câu hỏi là sau khi thực hiện audit cho content website, bạn muốn đạt được những kết quả nào, từ đó mới tìm ra được phương pháp phù hợp. Một số mục tiêu cho việc content audit có thể kể đến như:

  • Cải thiện chỉ số SEO của website
  • Nâng cao chất lượng nội dung
  • Thúc đẩy tương tác với khách hàng
  • Gia tăng tỷ lệ chuyển đổi và bán hàng

Với từng mục tiêu, chúng ta sẽ cần phân tích các chỉ số tương ứng, cụ thể như: Lượt truy cập tự nhiên, lượt hiển thị website, lượt nhấp, tỷ lệ nhấp trung bình (CTR), vị trí trung bình website, xếp hạng từ khoá, time on page, lượt xem trang, tỷ lệ thoát trang,…

Ví dụ: Bạn muốn cải thiện thứ hạng cho các bài viết trên website, hãy phân tích các chỉ số như lượt hiển thị, lượt nhấp, CTR, vị trí từ khoá, time on page,… Nếu cần tăng tỷ lệ chuyển đổi/bán hàng, hãy phân tích chỉ số Tỷ lệ chuyển đổi (CR), lượt chuyển đổi, thời gian tương tác, vị trí từ khoá, bounce rate,… và xem nội dung đã có phần call to action (CTA) chưa.

Bước 2: Sử dụng tool để phân tích dữ liệu

tool audit content
Sử dụng tool để phân tích dữ liệu khi audit content

Ở bước tiếp theo, chúng ta cần sử dụng các tool để kiểm tra, phân tích từng phần content của website. Cụ thể như sau:

  • SEOquake: Kiểm tra phần ALT ảnh (ảnh không có ALT hoặc có ALT không liên quan)
  • Screaming Frog: Kiểm tra tiêu đề, URL, thẻ mô tả, kích thước hình ảnh, ký tự ALT, tên ảnh chuẩn SEO, Internal link/External link,…
  • Screaming Frog/ Google Search Console: Đánh giá chất lượng nội dung, CTR, thứ hạng từ khoá, lượt hiển thị, lượt click, liên kết hỏng, nội dung trùng lặp,…
  • Google Analytics: Kiểm tra time on site, lượt xem trang, thời gian trung bình trên trang, tỷ lệ thoát, tỷ lệ chuyển đổi, nguồn traffic,… có thể xuất dữ liệu ra bảng tính để phân tích.

Bằng các công cụ trên, bạn có thể nhanh chóng thu thập dữ liệu nội dung (URL) của website, sau đó tiến hành so sánh, đối chiếu từ nhiều nguồn rồi lọc ra các bài viết cần chỉnh sửa và tối ưu.

Bước 3: Lọc ra từng nhóm nội dung để audit

phân loại nhóm nội dung audit
Lọc ra từng nhóm nội dung để audit

Sau khi đã có thu thập đầy đủ dữ liệu về nội dung trên website, bạn cần phân loại và lọc ra từng nhóm bài viết để có phương án audit phù hợp. Bạn có thể lọc nội dung trên trên website thành từng nhóm cụ thể như sau:

  • Bài viết có nội dung bị mỏng/ít (thin content): Là những bài viết có số từ quá ít, chỉ vọn vẻn khoảng từ 100 – 200 từ/bài.
  • Bài viết bị giảm lượt nhấp hoặc lượt hiển thị: Các bài viết bị giảm lượt nhấp hoặc lượt hiển thị trong vòng 30 ngày gần đây.
  • Bài viết có lượt hiển thị nhưng không có lượt nhấp: Bài viết đã lên top Google nhưng chưa có lượt nhấp hoặc bị giảm lượt nhấp trong 30 ngày gần nhất.
  • Bài viết lỗi thời, số liệu cũ: Nội dung chứa các thông tin, tiêu đề đã quá cũ, không phù hợp với thời điểm hiện tại. Ví dụ: “5 địa điểm du lịch phải đến trong năm 2024”, hiện tại đã là 2025 nên tiêu đề này không phù hợp.
  • Bài viết có time on page < 30 giây: Nội dung có chỉ số time on site quá thấp cần được tối ưu để giữ chân người đọc tốt hơn.
  • Nội dung trùng lặp, ăn thịt từ khoá: Bài viết có nội dung trùng lặp, sao chép từ nơi khác vào website.

Bước 4: Tìm kiếm phương án xử lý

Tiến hành audit content
Tìm kiếm phương án audit content

Sau khi đã lọc ra các nội dung có vấn đề, bạn hãy tiến hành tối ưu theo các phương án như sau:

Đối với nội dung bị mỏng/ít (thin content):

  • Mở rộng nội dung: Bổ sung thêm nội dung/thông tin chi tiết, mở rộng chủ đề hoặc đào sâu nghiên cứu số liệu, case study,… hướng đến mục tiêu nhằm cung cấp giá trị hữu ích cho người đọc.
  • Tối ưu content SEO: Tối ưu nội dung theo checklist content SEO như Tiêu đề, phần mô tả, mật độ từ khoá, thẻ heading, link nội bộ,…
  • Gợi ý nội dung liên quan: Liên kết đến các bài viết khác trên website để tăng giá trị nội dung.
  • Gộp bài viết: Nếu website có nhiều bài viết ngắn, trùng lặp chủ đề, nên gộp chung lại thành một bài viết chất lượng hơn.

Trong trường hợp website có nhiều bài viết bị thin content và không mang lại traffic, bạn nên xóa vĩnh viễn bài viết này và viết lại bài mới.

Bài viết bị giảm lượt nhấp/ hiển thị hoặc có lượt hiển thị nhưng không có lượt nhấp:

  • Chỉnh sửa tiêu đề và thẻ mô tả: Kiểm tra xem tiêu đề bài viết có đủ hấp dẫn không, phần mô tả có chứa từ khóa và CTA thu hút chưa. (Có thể thêm số, câu hỏi, từ ngữ,… vào tiêu đề/mô tả để kích thích hành động)
  • Cập nhật nội dung: Bổ sung các thông tin mới hữu ích, bảng số liệu cập nhật, giải đáp câu hỏi, hình ảnh hoặc video,… để tăng giá trị cho nội dung bài viết.
  • Kiểm tra các đối thủ: Xem cách đối thủ tối ưu bài viết để điều chỉnh, bổ sung hoặc tối ưu lại nội dung của bạn tốt hơn.
  • Bổ sung link liên kết: Đối với internal link, cần có các link trang chủ, bài viết liên quan, danh mục sản phẩm/dịch vụ, sản phẩm đang nhắc tới, Topic Cluster/SILO (nếu có). Với external link, cần một link out đến các trang web uy tín (ví dụ Wikipedia).

Bài viết lỗi thời, có số liệu cũ:

  • Sửa tiêu đề bài viết: Chỉnh sửa các tiêu đề có thông tin cũ, ví dụ: “5 địa điểm du lịch hot nhất năm 2024” thành “5 địa điểm du lịch đáng đi nhất [năm hiện tại]”.
  • Cập nhật thông tin mới: Thay thế các thông tin cũ trong bài, cập nhật nội dung hữu ích hoặc trích dẫn nguồn mới nhất để đảm bảo độ chính xác.

Bài viết có time on page thấp:

  • Cải thiện chất lượng nội dung: Nghiên cứu lại ý định tìm kiếm của người dùng, bổ sung các nội dung mới, đảm bảo độ giá trị và hữu ích.
  • Tối ưu bố cục bài viết: Chia nhỏ từng phần trong bài, sử dụng bullet points, heading rõ ràng để người đọc dễ theo dõi. Chèn thêm hình ảnh hoặc video để giữ chân người đọc lâu hơn.
  • Đặt thêm CTA hấp dẫn: Điều hướng người đọc thực hiện hành động tiếp theo như đọc bài liên quan, xem sản phẩm, đăng ký thông tin,…
  • Tối ưu tốc độ tải trang: Nếu trang tải quá chậm, người dùng có thể rời đi trước khi đọc nội dung.

Nội dung trùng lặp, ăn thịt từ khóa:

  • Hợp nhất nội dung: Nếu có nhiều bài viết trùng lặp về chủ đề, hãy gộp lại thành một bài viết để đảm bảo tính độc nhất và chuyên sâu.
  • Chuyển hướng (301 Redirect): Nếu có nhiều URL chứa nội dung tương tự, hãy chọn một URL chính và redirect các trang khác về đó.
  • Tối ưu từ khóa: Đảm bảo mỗi bài viết tập trung vào một từ khóa chính, tránh nhồi nhét từ khóa hoặc viết nhiều bài về cùng một chủ đề gây xung đột SEO.

Ngoài ra với những nội dung có thứ hạng cao và traffic tốt, bạn cũng cần theo dõi thường xuyên để có kế hoạch audit phù hợp. Cách này sẽ giúp cho bài viết giữ được thứ hạng lâu dài, tránh để các đối thủ khác vượt mặt.

Content audit là một chiến lược quan trọng giúp website duy trì độ chất lượng, cải thiện tính hữu ích cho nội dung và đảm bảo mang lại giá trị cao nhất cho độc giả. Bên cạnh đó, một chiến lược Content Audit hiệu quả còn giúp website nâng cao thứ hạng, gia tăng tỷ lệ chuyển đổi và củng cố hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng. Dương Gia Phát hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ về content audit và có kế hoạch audit nội dung phù hợp cho website của mình.

Để xem thêm các bài viết hữu ích, bạn hãy tham khảo qua chuyên mục kiến thức content marketing trên website của Dương Gia Phát. Bên cạnh đó, bạn có thể tham gia ngay vào group GenZ học làm digital marketing của Dương Gia Phát để hỏi đáp, bàn luận hoặc trao đổi về các chủ đề content marketing, SEO, social media, digital marketing,… Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

CAPTCHA ImageThay đổi câu hỏi