Marketing mix là một trong những công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược marketing hiệu quả. Đây không chỉ là nền tảng để phát triển các chiến lược marketing mà còn là chìa khóa tạo nên sức hút và sự thành công của doanh nghiệp trên thị trường.
Vậy marketing mix là gì? Tại sao nó đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược marketing tổng thể của doanh nghiệp? Trong bài viết này, Dương Gia Phát sẽ giúp bạn khám phá chi tiết khái niệm, các mô hình marketing hỗn hợp và những ví dụ thực tế về chiến lược marketing mix để áp dụng hiệu quả vào doanh nghiệp của mình. Mời bạn tiếp tục theo dõi nội dung sau đây.
Marketing mix là gì?
Marketing mix (marketing hỗn hợp) là một tập hợp các công cụ chiến lược mà doanh nghiệp sử dụng để tiếp cận và thỏa mãn nhu cầu của thị trường mục tiêu. Các yếu tố trong marketing mix bao gồm: Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (phân phối) và Promotion (xúc tiến).
Để xây dựng một chiến lược marketing mix hiệu quả, doanh nghiệp cần chắc chắn rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của mình đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng với mức giá hợp lý, đi kèm các hoạt động xúc tiến phù hợp. Đồng thời, sản phẩm/dịch vụ cũng phải được xuất hiện đúng nơi, đúng thời điểm.
Vai trò của marketing hỗn hợp
Trước khi đi sâu vào các khía cạnh chi tiết, hãy cùng Dương Gia Phát khám phá vai trò của marketing mix đối với chiến lược marketing tổng thể của doanh nghiệp:
Góp phần hiệu quả vào chiến lược marketing tổng thể
Marketing hỗn hợp là công cụ giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược marketing tổng thể hiệu quả. Sau khi xác định các phân khúc (thị trường) mục tiêu, doanh nghiệp có thể phối hợp linh hoạt các yếu tố trong marketing mix để phát triển chiến lược phù hợp cho từng phân khúc. Thông qua việc phối hợp các yếu tố như sản phẩm/dịch vụ, giá cả, phân phối, các chương trình khuyến mại, quảng bá, truyền thông,… phù hợp, sẽ giúp doanh nghiệp chiếm đóng được lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng doanh thu bền vững.
Nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành vi mua hàng
Thông qua các hoạt động như khuyến mại, quảng cáo, tổ chức sự kiện, PR,… doanh nghiệp có thể truyền tải những giá trị vượt trội và độc đáo của sản phẩm/dịch vụ. Những giá trị này không chỉ giúp giải quyết vấn đề mà khách hàng đang gặp phải, mà còn đáp ứng chính xác mong muốn và kỳ vọng của họ. Việc kết hợp các hoạt động xúc tiến một cách sáng tạo và hợp lý sẽ giúp thương hiệu của bạn nổi bật hơn so với các đối thủ cạnh tranh, đồng thời xây dựng lòng tin và mối quan hệ bền vững với khách hàng.
Tăng khả năng thích ứng với thị trường
Thị trường kinh doanh luôn có nhiều biến động, do đó, marketing mix đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp tăng khả năng thích ứng với những thay đổi của thị trường. Việc làm chủ các yếu tố cốt lõi như sản phẩm/dịch vụ, giá cả, kênh phân phối, xúc tiến, quy trình và con người cho phép doanh nghiệp phản ứng nhanh chóng và kịp thời điều chỉnh chiến lược để thích ứng với thị trường.
Các mô hình chiến lược marketing mix
Marketing mix là tập hợp các công cụ marketing quan trọng mà doanh nghiệp sử dụng để đạt được mục tiêu chiến lược marketing. Marketing mix ban đầu được phát triển qua mô hình 4Ps và sau đó được mở rộng thành mô hình 7Ps. Ngoài ra, còn có các mô hình khác như 4Cs và SAVE, là những phiên bản mở rộng của mô hình 4Ps. Cùng Dương Gia Phát tìm hiểu chi tiết về các mô hình marketing hỗn hợp trong nội dung sau đây:
Mô hình 4Ps
Vào năm 1960, Giáo sư marketing E. Jerome McCarthy đã phát triển chiến lược marketing mix 4Ps cơ bản, kết hợp bốn yếu tố quan trọng: Sản phẩm (Product), giá cả (Price), phân phối (Place) và xúc tiến (Promotion).
Product (Sản phẩm/dịch vụ)
Sản phẩm hoặc dịch vụ là yếu tố đầu tiên trong mô hình marketing hỗn hợp 4Ps và đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra giá trị cho khách hàng. Sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp phải được phát triển để đáp ứng nhu cầu hoặc giải quyết vấn đề cho một nhóm khách hàng cụ thể.
Khi phát triển chiến lược sản phẩm, doanh nghiệp cần chú trọng đến vòng đời sản phẩm, bao gồm các giai đoạn từ khi sản phẩm ra mắt thị trường cho đến khi nó giảm dần sức mua. Vòng đời sản phẩm bao gồm các giai đoạn: Hình thành (Introduction), phát triển (Growth), tăng trưởng (Maturity) và thoái trào (Decline). Đồng thời, việc quản lý vòng đời sản phẩm hiệu quả còn hỗ trợ doanh nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.
Để đảm bảo sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp cần phân tích kỹ lưỡng chu kỳ sống của sản phẩm. Việc này đòi hỏi phải trả lời một số câu hỏi quan trọng, như:
- Giá trị mà khách hàng muốn từ sản phẩm/dịch vụ của bạn là gì?
- Mục đích mà khách hàng sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn là gì?
- Những tính năng nào trong sản phẩm/dịch vụ không cần thiết và nên loại bỏ?
- Sản phẩm/dịch vụ của bạn có điểm khác biệt vượt trội (USP) gì so với đối thủ cạnh tranh?
- Các yếu tố khác biệt này có dễ bị sao chép hoặc bắt chước không?
Trả lời những câu hỏi này sẽ giúp doanh nghiệp định hướng phát triển sản phẩm một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường và duy trì lợi thế cạnh tranh.
Ví dụ về mục đích mà khách hàng sử dụng Iphone của Apple: Khách hàng mua iPhone, không chỉ vì tính năng mà còn vì giá trị trải nghiệm cao cấp. Họ tìm kiếm sự kết hợp hoàn hảo giữa thiết kế sang trọng, hiệu suất mạnh mẽ và sự ổn định của hệ sinh thái Apple.
Hệ sinh thái này tạo ra một trải nghiệm liền mạch, giúp người dùng dễ dàng sử dụng các dịch vụ như iCloud, App Store và Apple Music, đồng thời kết nối với các thiết bị khác như MacBook và Apple Watch mà không gặp phải vấn đề tương thích. Chính sự đồng bộ và hiệu quả này tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ, khiến người dùng khó từ bỏ Apple.
Giá cả (Price)
Trong marketing mix, yếu tố giá cả đóng vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng, giá cả là yếu tố quyết định hành vi mua sắm, ảnh hưởng đến sự lựa chọn của họ đối với sản phẩm/dịch vụ. Một mức giá quá cao có thể khiến khách hàng tiềm năng từ bỏ sản phẩm. Ngược lại, khi mức giá quá thấp có thể khiến khách hàng nghi ngờ về chất lượng sản phẩm/dịch vụ, đồng thời giảm khả năng sinh lời của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, giá cả không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận mà còn là yếu tố cạnh tranh quan trọng. Việc chọn chiến lược giá phù hợp giúp tiếp cận đúng khách hàng, đạt mục tiêu doanh thu và tăng trưởng bền vững. Vì vậy việc nắm rõ các chiến lược định giá và cách áp dụng sao cho phù hợp với sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số chiến lược định giá phổ biến mà doanh nghiệp có thể tham khảo:
- Chiến lược định giá theo người dẫn đầu (chiến lược dẫn đầu về giá)
- Chiến lược định giá sản phẩm mới
- Chiến lược giá hớt váng
- Chiến lược giá thâm nhập thị trường
- Chiến lược định giá theo dòng sản phẩm
- Chiến lược định giá theo gói
- Chiến lược định giá cao cấp
- Chiến lược định giá theo hình ảnh
Ví dụ: Với chiến lược định giá theo dòng sản phẩm, thì giá của từng sản phẩm phải được quyết định sao cho có thể tối đa hóa lợi nhuận của toàn bộ dòng sản phẩm chứ không phải của một sản phẩm
Phân phối (Place)
Vai trò của kênh phân phối trong marketing mix là đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Doanh nghiệp có thể thực hiện trực tiếp hoặc thông qua các đơn vị trung gian như chợ, tạp hóa, siêu thị, sàn thương mại điện tử,… Bên cạnh các điểm bán truyền thống, các kênh phân phối còn mở rộng bao gồm từ nhà cung cấp nguyên vật liệu, nhà máy, đến các hệ thống kho bãi, trung tâm phân phối và vận chuyển.
Đặc biệt hơn, hiện nay, kênh phân phối còn mở rộng ở trên môi trường số như website, mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử,… Do đó, doanh nghiệp cần phải xác định rõ những điểm chạm mà khách hàng mục tiêu thường lui tới để tìm kiếm thông tin hoặc mua sắm, từ đó chọn lựa các kênh phân phối phù hợp để tiếp cận họ.
Khi thiết kế kênh phân phối, doanh nghiệp không chỉ cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn phải tạo ra lợi thế cạnh tranh. Để đạt được điều này cần lưu ý một số yếu tố quan trọng khi thiết kế kênh phân phối:
- Cụ thể hóa vai trò của kênh phân phối để xác định cách thức phục vụ mục tiêu kinh doanh.
- Lựa chọn loại hình kênh phân phối phù hợp với đặc thù sản phẩm và nhu cầu của thị trường.
- Xác định cường độ phân phối để sản phẩm tiếp cận khách hàng mục tiêu hiệu quả.
- Lựa chọn thành viên cho kênh phân phối dựa trên sự phù hợp và khả năng hợp tác để tối ưu hóa hiệu quả phân phối.
Xúc tiến (Promotion)
Xúc tiến thương mại là tập hợp các công cụ: khuyến mại/xúc tiến bán hàng (Sale promotion), quảng cáo (Advertising), quan hệ công chúng (Public Relation), bán hàng cá nhân (Personal selling) và marketing trực tiếp (Direct marketing) nhằm mục đích thông báo, truyền tải thông điệp, thuyết phục và khuyến khích khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ.
Trước đây, “promotion” trong marketing mix thường được gọi là “chiêu thị”, chủ yếu tập trung vào các hoạt động xúc tiến bán hàng để thúc đẩy doanh số. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và sự thay đổi liên tục trong hành vi của khách hàng, khái niệm “promotion” không chỉ giới hạn ở các hoạt động xúc tiến/chiêu thị, mà còn bao gồm việc tích hợp (integrated) các kênh truyền thông khác nhau để truyền tải thông điệp marketing (communications), tạo ra sự kết nối và tương tác với khách hàng.
Chính vì vậy, thuật ngữ “truyền thông marketing tích hợp” (IMC – Integrated Marketing Communications) hiện nay thường được sử dụng thay cho “promotion”, nhằm nhấn mạnh sự tích hợp các kênh truyền thông để tạo ra một chiến lược truyền thông marketing toàn diện và hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh công nghệ và internet đang phát triển mạnh mẽ, digital marketing cũng được xem là một công cụ trong IMC (tổng hợp từ nhiều ý kiến khác). Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, digital marketing không chỉ là một phần của IMC, mà nó còn là một phương tiện đa năng, có thể thực hiện tất cả các yếu tố còn lại trong promotion/IMC.
Với khả năng tích hợp các công cụ như quảng cáo trực tuyến, quan hệ công chúng, khuyến mại, marketing trực tiếp và bán hàng cá nhân; digital marketing giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp đến khách hàng qua nhiều kênh khác nhau, từ mạng xã hội, email đến website và các nền tảng số khác.
Trước đây, quảng cáo chủ yếu được thực hiện qua các phương tiện truyền thông đại chúng như tivi, radio, biển quảng cáo ngoài trời, báo in,… Đây là những hình thức quảng cáo phi cá nhân (mass advertising) truyền thống và yêu cầu chi phí lớn. Tuy nhiên, với sự phát triển của digital marketing, các doanh nghiệp giờ đây có thể sử dụng quảng cáo trực tuyến (digital advertising) như Google Ads, Facebook Ads, hoặc quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến khác để tiếp cận đối tượng mục tiêu một cách cá nhân hóa, với ngân sách được ước tính dễ dàng hơn và có thể đo lường hiệu quả ngay lập tức.
Điều này chứng minh rằng digital marketing không chỉ là một phần của IMC mà nó còn có thể thực hiện tất cả các yếu tố trong promotion/IMC. Do đó, việc xếp quảng cáo vào công cụ “Advertising” của IMC hay vào digital marketing đều hợp lý.
Mô hình 7Ps
Marketing mix ban đầu chủ yếu tập trung vào việc bán sản phẩm, nên cần có sự điều chỉnh để phù hợp với việc bán dịch vụ. Để đáp ứng yêu cầu này, vào năm 1982, các nhà nghiên cứu Bernard Booms và Mary Bitner đã bổ sung ba yếu tố vào marketing hỗn hợp: Con người (People), quy trình (Process) và bằng chứng vật lý (Physical Evidence). Dù áp dụng cho sản phẩm hay dịch vụ, tất cả các yếu tố trong tổ hợp marketing này đều nhằm hiểu rõ cách mà khách hàng bị ảnh hưởng trong quá trình mua hàng.
Con người (People)
Yếu tố “Con người” trong marketing hỗn hợp đề cập đến công chúng – những cá nhân có ảnh hưởng đến quá trình marketing, bao gồm:
- Khách hàng: Những người mua và sử dụng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp.
- Nhân viên: Những người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tiềm năng. Việc đào tạo nhân viên, cũng như thái độ và hành vi của họ, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự nhất quán trong hoạt động marketing và thông điệp thương hiệu.
- Nhà phân phối: Các bên giúp doanh nghiệp đưa sản phẩm/dịch vụ đến tay khách hàng, như nhà bán lẻ, nhà bán buôn, và đại lý.
- Đối tác: Các bên hợp tác trong hoạt động marketing, chẳng hạn như công ty truyền thông, tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức cộng đồng.
- Báo chí và truyền thông: Các kênh truyền thông, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá, lan tỏa thông điệp của doanh nghiệp đến khách hàng và cộng đồng.
Trong thời đại chuyển đổi số, khách hàng có quyền lực lớn hơn và khả năng chia sẻ thông tin nhanh chóng. Vì vậy, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng mối quan hệ gắn bó với khách hàng và luôn lắng nghe phản hồi để cải thiện sản phẩm hoặc dịch vụ. Đồng thời, doanh nghiệp cần hiểu rõ và giữ mối quan hệ tích cực với các đối tượng liên quan, để các hoạt động marketing được diễn ra suôn sẻ và hiệu quả hơn.
Quy trình (Process)
Quy trình trong marketing mix là yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Nó bao gồm tất cả các quy trình tác động đến chất lượng dịch vụ, từ đặt hàng, thanh toán đến giao hàng. Doanh nghiệp cần xây dựng các quy trình hiệu quả và chuyên nghiệp để nâng cao sự thuận tiện cho khách hàng và tối ưu hóa quá trình giao dịch.
Trong bối cảnh bán hàng trực tuyến, quy trình càng trở nên quan trọng hơn. Khi khách hàng tìm kiếm sản phẩm hoặc thực hiện giao dịch, nếu quy trình không được tối ưu, họ có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin, thực hiện thanh toán hoặc theo dõi đơn hàng. Điều này sẽ làm giảm khả năng khách hàng quay lại mua sắm trong tương lai.
Để giữ chân khách hàng và tăng tỷ lệ chuyển đổi, doanh nghiệp cần đảm bảo quy trình bán hàng từ khâu tìm kiếm sản phẩm đến thanh toán và giao hàng diễn ra một cách đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện. Bên cạnh đó, các quy trình liên quan đến phân phối sản phẩm, chăm sóc khách hàng và giao hàng đúng hạn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Bằng chứng vật lý (Physical Evidence)
Bằng chứng vật lý bao gồm tất cả các yếu tố hữu hình mà khách hàng tiếp xúc khi sử dụng dịch vụ hoặc sản phẩm của doanh nghiệp, như không gian cửa hàng, cách bài trí sản phẩm, biển hiệu, bao bì sản phẩm và thiết kế không gian bán hàng.
Một cửa hàng có mặt tiền hấp dẫn, với màu sắc phù hợp và biển hiệu rõ ràng, sẽ tạo ấn tượng mạnh mẽ, thu hút sự chú ý và gia tăng sức hấp dẫn đối với khách hàng. Đối với bán hàng trực tuyến, các yếu tố như website, gian hàng trên sàn thương mại điện tử hoặc các đánh giá và lời chứng thực của khách hàng (testimonial) cũng đóng vai trò tương tự. Chúng không chỉ giúp khách hàng nhận diện thương hiệu dễ dàng mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến cảm nhận của họ về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Chẳng hạn, một website được thiết kế dễ dàng sử dụng, với hình ảnh sản phẩm rõ ràng và giao diện trực quan sẽ tạo niềm tin cho khách hàng, tương tự như một cửa hàng có mặt tiền đẹp và dễ tìm. Bên cạnh đó, các đánh giá tích cực và phản hồi từ khách hàng trước đó cũng là yếu tố quan trọng giúp khách hàng cảm thấy yên tâm khi quyết định mua hàng trực tuyến.
Để kinh doanh thành công trong một thị trường luôn biến động, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược marketing mix phù hợp với đặc thù của sản phẩm/dịch vụ và từng nhóm đối tượng mục tiêu. Không có khuôn mẫu chung cho mọi tình huống, vì vậy việc nghiên cứu, phân tích đối thủ và xác định thị trường mục tiêu cần được thực hiện một cách cẩn thận trước khi xây dựng chiến lược marketing hỗn hợp. Hy vọng bài viết trên đây của Dương Gia Phát đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích. Chúc bạn thành công.
Mời bạn tham gia nhóm Zalo của Dương Gia Phát để cùng nhau thảo luận, chia sẻ kiến thức và đặt câu hỏi về các chủ đề liên quan đến digital marketing, content marketing, SEO, social media và quảng cáo tại đây ⇒ Hỗ trợ digital marketing – Dương Gia Phát hoặc bạn có thể quét mã QR code bên dưới chân trang (footer) của website.
Quản lý dự án digital marketing